Thứ Hai, 28/10/2024 10:22 SA
Viện kháng nghị vì tòa xử nhẹ
Thứ Tư, 26/10/2016 14:00 CH

Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm - Ảnh: VĂN TÀI

Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm số 19 ngày 14/9 của TAND Phú Yên trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở dự án đền bù tại xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa). Lý do kháng nghị là cấp sơ thẩm xử quá nhẹ, không tương xứng hành vi, tính chất phạm tội và mức độ hậu quả các bị cáo gây ra…

 

13/16 bị cáo hưởng án treo

 

Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 7/2013 - 4/2014, trong quá trình thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tại xã Hòa Tâm để thực hiện dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, các bị cáo Nguyễn Tài (nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa), Huỳnh Ngọc Sương (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa), Nguyễn Kỳ Tổng (nguyên Trưởng Phòng TN-MT huyện), Dương Văn Nhân (nguyên Phó Phòng TN-MT huyện), Nguyễn Trình Văn, Nguyễn Dương Tiến Hùng, Nguyễn Thị Huỳnh Dung, Nguyễn Văn Sơn (nguyên cán bộ Phòng TN-MT huyện), Huỳnh Công Dự (nguyên cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện), Nguyễn Kích (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện), Huỳnh Ngọc Thắng (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện), Bùi Xuân Quang, Trần Trọng Duy (nguyên nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện), Võ Tấn Vinh (nguyên cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện), Lê Văn Hoàng (nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm) và Nguyễn Hữu Phí (ngụ tại TP Tuy Hòa - là người hưởng lợi trong việc đền bù giải phóng mặt bằng ở xã Hòa Tâm) đã có hành vi thực hiện không đúng quy định của Nhà nước trong việc đền bù, hỗ trợ dự án giải phóng mặt bằng như: bồi thường về đất không đủ mật độ, đất lấn chiếm, xây nhà trái phép cho 3 trường hợp; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho 9 cán bộ đang công tác, cán bộ hưu trí, những người ở ngoài tỉnh không trực tiếp sản xuất, không có hộ khẩu và không đăng ký tạm trú ở địa phương; hợp thức hồ sơ bồi thường, hỗ trợ diện tích đất nuôi trồng thủy sản vượt hạn mức cho 1 đối tượng và đứng tên 4 người khác để nhận tiền cao hơn so với quy định của pháp luật… gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,2 tỉ đồng.

 

Tại phiên xử sơ thẩm hồi trung tuần tháng 9, hội đồng xét xử tuyên phạt 16 bị cáo vừa nêu phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, tòa tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Tài 12 năm tù và cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ quản lý hành chính Nhà nước trong thời hạn 4 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; Nguyễn Kích 10 năm tù và cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến công tác bồi thường trong thời hạn 4 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; Huỳnh Ngọc Thắng 4 năm tù và cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ quản lý liên quan đến công tác bồi thường trong thời hạn 4 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

 

Bản án sơ thẩm còn tuyên phạt bị cáo Huỳnh Ngọc Sương 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; các bị cáo Nguyễn Kỳ Tổng, Lê Văn Hoàng mỗi người lãnh 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Dương Văn Nhân, Nguyễn Dương Tiến Hùng, Võ Tấn Vinh, Bùi Xuân Quang, mỗi bị cáo lãnh 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Trình Văn, Nguyễn Thị Huỳnh Dung, Nguyễn Văn Sơn, Huỳnh Công Dự, Trần Trọng Duy, mỗi bị cáo lãnh 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Đồng thời cấm các bị cáo này đảm nhiệm chức vụ liên quan đến công tác bồi thường trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Riêng bị cáo Nguyễn Hữu Phí, tòa tuyên phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

 

Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho Nhà nước toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa tổ chức chấn chỉnh kiểm tra, giám sát các dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện, thực hiện triệt để quy trình, quy định về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, để ngăn chặn điều kiện phát sinh tội phạm tương tự.

 

Đề nghị tăng hình phạt

 

Không đồng tình với phán quyết của án sơ thẩm, Phó Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Hòa vừa ban hành Quyết định 11/2006 kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm ngày 14/9 của TAND Phú Yên. Theo đó, đề nghị tòa án cùng cấp xét xử lại vụ án theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Huỳnh Ngọc Thắng và 13 bị cáo được hưởng án treo.

 

Theo quyết định kháng nghị nêu trên, Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định: Các bị cáo trong vụ án này đều bị truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 10-12 năm. Ngoài ra, các bị cáo còn gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 9,2 tỉ đồng thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

 

Mặt khác, trong vụ án này, các bị cáo Huỳnh Ngọc Sương, Huỳnh Ngọc Thắng và Nguyễn Kỳ Tổng là những cán bộ có chức quyền, hành vi sai phạm của họ là nguyên do dẫn đến hậu quả chi trả trái pháp luật các khoản tiền hỗ trợ, bồi thường đất đai, vật kiến trúc… trong giai đoạn 1 thực hiện dự án đầu tư Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô tại xã Hòa Tâm, nên phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả thiệt hại do chính họ gây ra.

 

Quyết định kháng nghị của Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng cho rằng cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt 4 năm tù giam đối với bị cáo Huỳnh Ngọc Thắng; áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo 3 năm đối với Huỳnh Ngọc Sương; 2 năm 6 tháng tù treo đối với Nguyễn Kỳ Tổng là quá nhẹ, không tương xứng hành vi, tính chất phạm tội và mức độ hậu quả các bị cáo gây ra, nhất là không công bằng với hình phạt đã tuyên xử đối với các bị cáo Nguyễn Tài và Nguyễn Kích.

 

Ngoài ra, quyết định kháng nghị của Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng còn cho rằng cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 khi không đủ điều kiện để cho 13 bị cáo hưởng mức án dưới mức hình phạt nhẹ nhất của khung hình phạt liền kề, nhẹ hơn trong điều luật là không đúng, trái với quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ khi áp dụng điều khoản trên, các bị cáo phải là người phạm tội lần đầu, phạm tội với vai trò đồng phạm thứ yếu. Bên cạnh đó, 13 bị cáo được cấp sơ thẩm cho hưởng án treo đều là những cán bộ, chuyên viên có chức trách, vai trò quyết định việc chi trả bồi thường, hỗ trợ và đã trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại; đặc biệt bị cáo Nguyễn Dương Tiến Hùng có nhân thân xấu, từng bị TAND huyện Tuy Hòa xử phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích năm 2004 như vậy là trái quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự.

 

Do đó, Viện KSND Cấp cao đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt và không cho các bị cáo hưởng án treo. VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng các bị cáo nói trên đã được cấp sơ thẩm xử phạt mức án nhẹ, không đủ răn đe, giáo dục riêng và phòng ngừa chung, chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội mà họ đã gây ra. Từ đó, VKSND Cấp cao đề nghị tòa cấp phúc thẩm sửa phần hình phạt đối với các bị cáo theo hướng tăng nặng để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek