Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh, tình trạng cố ý gây thương tích có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là nhiều vụ việc phát sinh do mâu thuẫn đơn giản nhưng các đối tượng không biết kiềm chế mà sẵn sàng sử dụng hung khí để làm tổn thương người khác; dẫn đến người bị thương, kẻ phải vướng vào vòng lao lý…
MÂU THUẪN NHỎ, HẬU QUẢ LỚN
Do mâu thuẫn trong làm ăn nên khoảng 17 giờ 30 ngày 21/1/2016, Phan Minh Hiền đến nhà anh ruột là Phan Minh Hùng ở xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) để nói chuyện phải trái. Khi Hiền đến cổng nhà thì gặp Phan Thị Hồng, con gái anh Hùng. Sau đó, giữa Hiền và Hồng xảy ra cãi vãnên Hiền dùng tay đánh làm Hồng té ngã vào hàng rào lưới B40. Thấy con bị đánh, Hùng cầm rựa chạy đến chém Hiền một cái, Hiền đưa tay trái lên đỡ thì bị trúng mu bàn tay và vùng ngực trái, tỉ lệ thương tích 9%.
Ngày 11/3, Hiền có đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Sau đó, Viện KSND huyện Đông Hòa đã ra cáo trạng truy tố ra trước TAND cùng cấp để xét xử Phan Minh Hùng về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Còn tại huyện Đồng Xuân, TAND huyện này vừa xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Thị Kim Vân (SN 1979, trú xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích.
Theo bản án sơ thẩm, Vân đến khu vực Lỗ Tây thuộc thôn Phước Nhuận (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) để chặt ngọn mía cho bò ăn thì gặp bà Phạm Thị Cường. Do có mâu thuẫn trước đó với con gái bà Cường nên Vân gọi bà đứng lại để nói chuyện thì hai bên xảy ra xô xát, giằng co. Sau đó, Vân dùng sóng rựa đánh trúng đầu, tay bà Cường. Đánh xong, Vân bỏ đi thì bà Cường chạy theo nắm tóc Vân kéo ngược về phía sau làm cả hai ngã xuống đất. Thấy hai người đánh nhau, anh Tạ Văn Lĩnh ở gần đó chạy đến can ngăn nên cả hai bỏ về. Riêng bà Cường được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân; đồng thời giám định thương tích bà Cường bị tổn hại 7% sức khỏe.
Đây là hai trong số nhiều vụ mâu thuẫn điển hình giữa người dân với nhau xảy ra trong thời gian qua. Theo thống kê của Ban Nội chính Tỉnh ủy, từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm về trật tự an toàn xã hội vẫn chưa được kiềm chế. Toàn tỉnh xảy ra 68 vụ, tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó tội cố ý gây thương tích còn chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm với 36 vụ, 56 bị can. Điều đáng nói là các đối tượng phạm tội cố ý gây thương tích thường sử dụng hung khí như dao lê, rựa, mã tấu, đặc biệt là dao Thái Lan để gây thương tích cho người khác… Điều đáng lo ngại là độ tuổi các đối tượng cố ý gây thương tích ngày càng có xu hướng trẻ hóa, có đối tượng lúc phạm tội chưa đủ 18 tuổi.
KHÔNG DÙNG VŨ LỰC ĐỂ GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN
Theo Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên Nguyễn Hương Quê, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội cố ý gây thương tích như: do mâu thuẫn láng giềng về tranh chấp đất đai, sinh hoạt; do mâu thuẫn ghen tuông trong quan hệ tình cảm; do mâu thuẫn bột phát khi tham gia giao thông như va quẹt nhau, người có lỗi có lời nói, thái độ, hành động không đúng mực…
Luật sư Nguyễn Hương Quê cho rằng, để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn gia tăng tội cố ý gây thương tích trong thời gian đến thì việc đầu tiên khi xảy ra mâu thuẫn là các bên liên quan cần phải biết kiềm chế và giải quyết thấu tình đạt lý, tránh không để mâu thuẫn kéo dài dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nhất là những mâu thuẫn trong quan hệ xã hội, tranh chấp đất đai, tài sản, những người liên quan cần phải bình tĩnh cùng nhau giải quyết trên cơ sở tình làng nghĩa xóm, anh em trong gia đình, thân tộc. Nếu không được thì có đơn đề nghị chính quyền các cấp giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Tuyệt đối không được dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn dẫn đến hậu quả người chết, người thì bị thương, kẻ phải vướng vòng lao lý như nhiều vụ việc đáng buồn đã xảy ra lâu nay.
VĂN TÀI