Nhiều nhân chứng cho biết, Việt Tân - thông qua Văn phòng Trợ giúp pháp lý và cô dâu Việt Nam (VMWBO) tại Đài Loan, đã tuyển mộ được một số công nhân, “cô dâu” Việt tại Đài Loan và dùng họ như những “nhân chứng sống” để tuyên truyền, xuyên tạc, chống lại Nhà nước Việt Nam.
Nguyễn Văn Hùng (bên trái) đang “thăm hỏi” một cô dâu người Việt
Sáng 20/7/2007, một nhóm gồm 5 phụ nữ người Việt, đã đến Văn phòng phía Nam - Chuyên đề ANTG, Báo CAND để trình bày về một vấn đề mà theo sự hiểu biết của họ, đây có thể là âm mưu thâm độc của một tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài.
Vì lý do an toàn cho bản thân họ, chúng tôi xin được phép thay đổi họ, tên...
Theo lời tường thuật của chị Bùi Thị Hoa, thì cả 5 người - dù hoàn cảnh quê quán khác nhau, nhưng cùng sang Đài Loan đã hơn 3 năm. Trong số đó, có người làm công nhân tại một nhà máy, có người lấy chồng Đài Loan.
Chị Hoa kể: “Nhiều lần, tôi bị gia đình bên chồng chửi mắng, sỉ nhục. Bơ vơ nơi đất khách, chẳng biết kêu ai, tình cờ một hôm ra chợ, tôi được một người đồng hương, giới thiệu cho tôi đến Văn phòng Trợ giúp pháp lý và cô dâu Việt Nam” (thường được gọi là Vietnamese Migrant Workers and Brides Office - VMWBO), địa chỉ đặt tại 116 đường Chung-Hwa, thành phố Bade, quận Taoyuan, Đài Loan, điện thoại số 886-3-217-0468.
Khi tìm đến văn phòng ấy, theo lời chị Hoa, thì chị gặp một người đàn ông tên Nguyễn Văn Hùng. Tự giới thiệu mình là “linh mục”, ông Hùng sau khi hỏi han hoàn cảnh, đời sống, đã đề nghị chị dọn về ở tại khu tạm cư thuộc nhà thờ Chung Li, huyện Đào Viên, để được VMWBO dạy tiếng Hoa, học nghề thủ công rồi sẽ giới thiệu cho chị tìm một việc làm khác, hoặc giúp chị về lại quê nhà.
Cũng theo chị Hoa, vào thời điểm chị đến nhà thờ Chung Li, có khoảng 40 người - cả nam lẫn nữ, đang tạm trú trong những dãy nhà thuộc khuôn viên nhà thờ. Tất cả những người này đều là công nhân đi lao động hợp tác, hoặc lấy chồng Đài Loan nhưng vì nhiều lý do, đã bỏ ra ngoài.
Có người vì bị ngược đãi nhưng cũng không ít người, khi biết gia đình chồng không “giàu” như họ tưởng, nên họ tìm cách trốn đi, kiếm chồng mới, hoặc làm ăn vô kỷ luật, lại không thích ứng với cường độ lao động công nghiệp nên bỏ ngang để mong tìm được việc khác nhàn hạ hơn, lương cao hơn!
Chị nói: “Qua hỏi thăm, tôi được biết mỗi đợt học tiếng Hoa, học nghề ở đây là khoảng 3 tháng. Học xong, họ đi đâu không rõ nhưng hết đợt này đi, thì ông Hùng lại đưa đợt khác về”.
VIỆT TÂN LÀ GÌ?
Qua tìm hiểu của chúng tôi, thực tế VMWBO chỉ là vỏ bọc của cái gọi là “Việt Nam canh tân cách mạng” (gọi tắt là Việt Tân), được Hoàng Cơ Minh, nguyên Phó đề đốc quân đội Sài Gòn cũ lập ra, để chỉ đạo đường lối cho “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” - cũng của Hoàng Cơ Minh và phe nhóm, vào đầu những năm 80 thế kỷ trước.
Lúc đó, “mặt trận” đặt căn cứ tại vùng biên giới Thái Lan, tiếp giáp với Lào rồi sau những thất bại thảm hại trong 3 lần xâm nhập về Việt Nam, dưới tên gọi “chiến dịch Đông tiến” nhằm mục đích tổ chức bạo loạn, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân. Trong khi Hoàng Cơ Minh cùng hơn 200 đồng bọn đã phải đền tội trong các chiến dịch Đông Tiến thì ở Mỹ, bọn chóp bu cầm đầu “Việt Tân” vội vã chia nhau số tiền hơn 10 triệu USD - là tiền mà “mặt trận” kiếm chác được từ cộng đồng người Việt hải ngoại bằng đủ mọi hình thức, kể cả hăm dọa, cưỡng ép, rồi dùng tiền ấy đầu tư vào thị trường chứng khoán, tàu đánh cá, xe vận tải, biến nó thành tài sản riêng.
Tuy nhiên, với bản chất chống Nhà nước Việt Nam triệt để, cũng như không thể buông tha miếng mồi béo bở - là những đồng đôla của bà con Việt kiều dành dụm, chắt bóp được, nên bọn chóp bu bằng mọi cách, vẫn cố duy trì cái mác Việt Tân bằng trang web “Viettan” trên mạng Internet, bằng Đài phát thanh “Chân trời mới”, “Tiếng nước tôi”, bằng tờ tạp chí “Hoa mai trắng”.
Sau nhiều phen thanh trừng, đấu đá nội bộ, Việt Tân được cầm đầu bởi Lý Thái Hùng và Đỗ Hoàng Điềm. Đầu năm 2001, trước một số biến động trên thế giới, cũng như một số thành phần cơ hội, bất mãn ở trong nước, bắt đầu lộ diện trên mạng Internet bằng những bài viết xuyên tạc tình hình Việt Nam, thì Việt Tân một mặt móc nối với những kẻ này, mặt khác hình thành kế hoạch đưa “thành viên” về nước hoạt động.
Bước đầu, nhằm phô trương thành tích, lừa bịp những người nhẹ dạ, thiếu thông tin, Việt Tân cử tay chân, đồng thời chi tiền cho vài nhà báo nước ngoài, nhập cảnh Việt Nam dưới hình thức thăm thân nhân, du lịch và sau đó, thuê mướn vài gã nghiện ma túy, gái mại dâm, cho học “thuộc bài”, cho đội mũ xùm xụp, đeo khẩu trang, mang kính đen nhằm tạo ra yếu tố ly kỳ, bí mật rồi tiến hành quay phim, dàn dựng, biến nó thành cuộc “phỏng vấn thành viên Việt Tân quốc nội”.
Trò hề này nhanh chóng bị lật tẩy bởi lẽ tất cả những cuộc “phỏng vấn”, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là mấy bộ dạng hom hem, vẫn chỉ là những lời phát biểu nhai đi nhai lại như vẹt.
Vì thế, để tuyển mộ “thành viên”, để chứng minh rằng Việt Tân hiện có “hàng nghìn thành viên đang hoạt động tại quốc nội” như bọn chóp bu đã hùng hồn tuyên bố, thì một trong những mục tiêu mà Việt Tân nhắm tới, chính là Đài Loan, nơi có khoảng 200 nghìn người Việt sinh sống, bao gồm 80 nghìn người là công nhân hợp tác lao động, và khoảng 120 nghìn phụ nữ lấy chồng Đài Loan.
Đến đây, cũng cần phải nói thêm về vai trò của một vài cơ quan trong nước, làm dịch vụ đưa công nhân sang Đài Loan lao động. Họ chưa thật sự quan tâm đến đời sống, sinh hoạt của công nhân, chưa có những hỗ trợ thực tế mỗi khi công nhân gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, các hoạt động trợ giúp những “cô dâu” người Việt ở Đài Loan bị ngược đãi của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong nước cũng vẫn rất mờ nhạt. Lợi dụng nhược điểm này, Việt Tân cho ra đời VMWBO, núp bóng dưới hình thức “tổ chức phi chính phủ” nên bước đầu, đã tạo được lòng tin với một bộ phận “cô dâu”, công nhân người Việt.
Đứng đầu VMWBO là Nguyễn Văn Hùng, thành viên Việt Tân tại Australia, phó là Nguyễn Hùng Cường, thành viên Việt Tân ở Mỹ. Phụ trách vấn đề công nhân, “cô dâu” Việt Nam là Mai Thị Loan. Phụ trách tài chính, kế hoạch là Lê Mỹ Nga, còn Lương Thị Thanh Ánh làm nhiệm vụ thư ký.
Để khuếch trương vai trò của VMWBO trong giới công nhân, “cô dâu” Việt, Nguyễn Văn Hùng lập 2 trang web trên mạng Internet, in ấn tài liệu nói về tự do, dân chủ, tuyên truyền đường lối, cương lĩnh của “Việt Tân” rồi tán phát cho công nhân, “cô dâu” Việt Nam.
Lợi dụng những tranh chấp của công nhân với chủ thuê mướn về giờ giấc lao động, tiền lương, cũng như hoàn cảnh khó khăn của các “cô dâu”, nhóm VMWBO tiến hành các cuộc tiếp xúc, rồi lôi kéo những thành phần bất mãn về ở tại các khu tạm cư trong khuôn viên nhà thờ Chung Li.
Tại đây, hàng ngày mỗi người được cấp 9 USD là tiền ăn uống, được Vũ Đình Thôn, Nguyễn Minh Chính, Trần Cao Tường, Dương Bá Hoạt, Trần Văn Phúc..., là thành viên Việt Tân dạy tiếng Hoa, dạy một số nghề thủ công như may vá, sửa chữa điện dân dụng, thợ hồ.
Ngoài ra, nhóm VMWBO còn thành lập trong khu tạm cư cả một thư viện với máy tính truy cập Internet, với sách báo phản động, tài liệu tuyên truyền cho Việt Tân. Bên cạnh đó, cứ mỗi dịp lễ như: Giáng sinh, tết Dương lịch, tết Âm lịch, nhóm VMWBO lại tiến hành những buổi họp mặt công nhân, “cô dâu” để liên hoan ăn uống, thăm hỏi, tặng quà. Mục đích của những việc làm này là nhằm để dần dà, nhiều người ngộ nhận rằng đây chỉ là một tổ chức từ thiện thuần túy.
ÂM MƯU CỦA VIỆT TÂN
Trở lại chuyện 5 phụ nữ Việt Nam, theo lời chị Bùi Thị Hoa, khoảng nửa tháng sau khi đến tạm cư tại khu vực nhà thờ Chung Li, chị cùng một số người khác, thường xuyên được Nguyễn Quốc Quân, Ngô Trọng Đức, Võ Chương - là nhóm cốt cán của Việt Tân trong chiến dịch đưa “thành viên” về Việt Nam, gặp gỡ, thăm hỏi.
Thoạt đầu, những gã này chỉ khơi gợi tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm. Dần dà, bọn chúng chuyển sang đề tài chính trị, lợi dụng một số vụ tham nhũng xảy ra tại Việt Nam, hoặc chuyện bà con khiếu kiện đất đai, những bất cập trong quản lý kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục..., để từng bước nhồi nhét vào đầu họ quan điểm chống phá Nhà nước Việt Nam.
Khi thấy tư tưởng của người nghe có biểu hiện chuyển biến, chúng đi tiếp bước thứ hai. Chị Phan Thị Thu Nguyệt, kể: “Trong một lần nói chuyện, Nguyễn Quốc Quân cho em biết, người nằm bên cạnh giường em, là kẻ xấu chui vào để phá hoại. Ông ta nhờ em theo dõi tất cả mọi hoạt động thường ngày của người này, đồng thời phải tạo ra sự thân tình, để xem quan điểm ra sao”.
Vì không nhận ra âm mưu thâm độc của chúng, chị Nguyệt đã làm theo mà không ngờ, người chị được lệnh phải theo dõi, chính là người của Việt Tân và việc “theo dõi”, chỉ là thử thách!
Sau một vài lần “thử thách” như thế, chị Nguyệt được chúng công nhận là “cảm tình viên”. Đến lúc này, bộ mặt Việt Tân hiện nguyên hình bằng những buổi học tập, thảo luận đường lối, chính sách của “tổ chức”, cùng vai trò, nhiệm vụ của “thành viên” trong âm mưu, kế hoạch chống lại Nhà nước Việt Nam.
Tiếp theo, Nguyễn Quốc Quân, Ngô Trọng Đức, Võ Chương lần lượt dạy chị cùng một số người khác về các hoạt động bí mật, như tạo địa chỉ e-mail trên mạng Internet, cách viết thư bằng mật mã, cách chụp hình, gửi hình, gửi file âm thanh kèm theo e-mail mà một ai đó, dẫu có vô tình biết được mật khẩu hộp thư, thì nếu mở ra cũng chẳng xem được.
Bên cạnh đó, “cảm tình viên” còn học các quy ước liên lạc với người của “tổ chức”, cách theo dõi và chống theo dõi. Một số người sau khi trải qua lớp huấn luyện ấy, được Việt Tân làm lễ kết nạp, rồi đưa về lại Việt Nam với trang bị gồm máy tính xách tay, máy chụp hình kỹ thuật số và tiền lương khởi đầu mỗi tháng 100 USD.
Chị Lê Thị Hậu cho biết: “Sau khi kết nạp xong, ông Nguyễn Quốc Quân đốt ngay hồ sơ xin gia nhập của em trước mặt em, để em tin rằng chuyện em vào “tổ chức” là hoàn toàn bí mật, ngoài ông Quân ra thì không còn ai biết”. Nhưng chị - cũng như rất nhiều người khác đều không ngờ rằng, hồ sơ ấy đã được Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Quốc Quân chụp lại, rồi lưu vào máy tính và chuyển về cho bọn đầu sỏ ở Mỹ là Lý Thái Hùng, Đỗ Hoàng Điềm.
Về Việt Nam, nhiệm vụ khởi đầu của “thành viên Việt Tân” là viết những e-mail, xem ra rất hiền lành, tường thuật lại những gì đang xảy ra tại địa phương mình, từ chuyện làm ăn đến chuyện sinh hoạt, đời sống, hoặc những vụ việc mà báo chí trong nước đăng tải công khai (và đó cũng là cách Việt Tân kiểm tra thái độ hoạt động của họ).
Khi đã được tin tưởng, Việt Tân chuyển tiền về để họ mở quán cà phê, quán ăn, quán tạp hóa, làm vỏ bọc. Một thời gian sau, dưới hình thức du lịch, Việt Tân đưa họ sang Thái Lan, sang Malaysia tái huấn luyện rồi khi trở về, họ sẽ làm nhiệm vụ móc nối thêm những người khác.
Chị Trần Thị Huệ cho biết: “Em về TP HCM được gần 1 tháng. Nhà em ở đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận. Hôm vừa rồi, họ gửi e-mail, dặn em nếu tối có phóng viên của Đài phát thanh “Chân trời mới” gọi, hỏi về vấn đề người dân khiếu kiện đất đai, thì em phải trả lời là tận mắt em chứng kiến Công an Việt Nam xịt hơi cay, phun vòi nước chữa lửa và đánh đập dã man người khiếu kiện. Thật tình em biết không hề có chuyện đó, nhưng họ dặn em phải nói vậy nên em sợ quá, tối đó em tắt điện thoại luôn”.
Cho đến nay, theo lời những phụ nữ đã tiếp xúc với chúng tôi, thì Việt Tân - thông qua tổ chức VMWBO, đã tuyển mộ được một số người trong số những người mà chúng lôi kéo, rồi dùng họ như những “nhân chứng sống” để tuyên truyền, xuyên tạc, chống lại Nhà nước Việt Nam.
Thậm chí chúng còn nhắm đến cả Hàn Quốc, nơi có hàng chục nghìn lao động và “cô dâu” người Việt, đang làm ăn, sinh sống. Thâm độc hơn, chúng sẽ phát triển và sử dụng những người này để tạo ra tình trạng bất ổn xã hội - mà cụ thể là trong một số vụ người dân tụ họp khiếu kiện về đất đai ở một số địa phương, bọn Việt Tân đã cho người luồn lách vào để kích động rồi nương theo đó, tổ chức bạo loạn, khủng bố, lật đổ chính quyền.
Thực tế cho thấy, vấn đề một bộ phận nhỏ công nhân, “cô dâu” Việt tại Đài Loan bị ngược đãi là vấn đề tồn tại đã lâu, nhưng các biện pháp giải quyết thì đến nay, xem ra vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Vì thế, bọn phản động mới có cơ hội lợi dụng.
Để phá tan âm mưu thâm độc của Việt Tân, những đơn vị đưa người đi hợp tác lao động, những tổ chức xã hội cần thấy rõ trách nhiệm của mình hơn nữa bằng việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Đài Loan, nhằm giải quyết nhanh chóng, và kịp thời những bức xúc chính đáng của người lao động.
Bên cạnh đó, cần thiết phải có những buổi sinh hoạt, thăm viếng thường kỳ của các văn phòng đại diện người Việt ở Đài Loan, để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và cũng là để người lao động nhận ra những âm mưu chia rẽ, phá hoại – không riêng gì của Việt Tân, mà của cả những tổ chức phản động khác, núp dưới những chiêu bài nghe rất lương thiện và hiền lành...
Theo CAND