Thứ Năm, 31/10/2024 12:22 CH
Vi phạm thủ tục tố tụng, tòa cấp trên hủy án cấp dưới
Thứ Tư, 09/03/2016 10:17 SA

Chỉ là một vụ án dân sự xét xử vụ kiện tranh chấp đòi lại tài sản bị chiếm dụng, thế nhưng TAND huyện Đông Hòa đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và mắc hàng loạt lỗi về nội dung nên TAND tỉnh đã hủy án để xét xử lại.

 

Ảnh: Internet

 

TRANH CHẤP ĐÒI TÀI SẢN BỊ CHIẾM DỤNG

 

Theo hồ sơ vụ án, năm 2003, được sự hỗ trợ của Hội Người cao tuổi xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa), Chi hội Người cao tuổi thôn Phước Tân thuộc xã này đã đóng góp thêm tiền, vật liệu, công cán để xây nhà sinh hoạt cho chi hội trên phần đất hiến của ông Lê Đức Tiến.

 

Đến năm 2013, nhà sinh hoạt chi hội bị giải tỏa để thực hiện dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô nên được đền bù, hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Chi hội đã họp và làm giấy ủy quyền cho ông Lê Đức Tiến đứng tên quy chủ, kiểm kê tài sản và nhận số tiền bồi thường hơn 32,1 triệu đồng về giao nộp cho chi hội. Ngày 17/1/2014, con ông Tiến là ông Lê Đức Dũng đã đến Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa nhận đủ số tiền nhưng không giao lại cho chi hội mà cùng bà Lê Thị Phương tự ý cấp phát 14 triệu đồng cho một số cá nhân trong chi hội. Số tiền còn lại, ông Dũng sử dụng cho mục đích cá nhân.

 

Do không nhận được tiền hỗ trợ nên Chi hội Người cao tuổi thôn Phước Tân khởi kiện ra TAND huyện Đông Hòa yêu cầu ông Dũng, bà Phương trả lại toàn bộ số tiền hỗ trợ mà Nhà nước đã bồi thường cho chi hội.

 

Tại phiên xử sơ thẩm, ông Lê Đức Dũng thừa nhận được cha ruột là ông Lê Đức Tiến ủy quyền nhận số tiền hơn 32,1 triệu đồng mà Nhà nước bồi thường khi giải tỏa nhà sinh hoạt của chi hội. Sau khi nhận tiền về, ông Dũng đã giao lại số tiền trên cho ông Tiến, rồi sau đó ông Tiến chia cho ai, mỗi người bao nhiêu thì ông không biết.

 

Thế nhưng, tại phiên xử sơ thẩm, TAND huyện Đông Hòa đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Chi hội Người cao tuổi thôn Phước Tân. Theo đó, bản án sơ thẩm buộc ông Dũng, bà Phương phải liên đới trách nhiệm trả lại toàn bộ số tiền hơn 32,1 triệu đồng cho chi hội.

 

VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG TỐ TỤNG

 

Không đồng ý với phán quyết của tòa, sau phiên xử sơ thẩm, ông Dũng cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Phương đã kháng cáo. Tiếp đó, ngày 25/9/2015, Viện KSND huyện Đông Hòa kháng nghị yêu cầu TAND tỉnh hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Đông Hòa.

 

Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Đông Hòa, cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, cũng như chưa giải quyết hết yêu cầu phản tố của ông Dũng và bà Phương.

 

Mới đây, TAND tỉnh đã mở phiên xử phúc thẩm. Tại đây, hội đồng xét xử TAND tỉnh nhận định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc này là ông Lê Đức Tiến. Ông cũng chính là người được chi hội ủy quyền nhận tiền bồi thường căn nhà do chi hội xây dựng trên đất của ông. Thế nhưng, việc ông Tiến tự ủy quyền lại cho ông Dũng nhận mà không được sự đồng ý của chi hội là vi phạm pháp luật. Đồng thời, ông Tiến là người trực tiếp chia tiền cho các hội viên sau khi nhận tiền từ ông Dũng là trái với quy định và sự ủy quyền của chi hội”.

 

Bên cạnh đó, biên bản kết thúc điều tra ngày 18/1/2015 của Công an huyện Đông Hòa đã kết luận: “Ông Dũng nhận số tiền bồi thường căn nhà của Chi hội là trên cơ sở giấy ủy quyền lập ngày 25/12/2013. Sau khi nhận tiền, ông Dũng đã giao lại cho ông Tiến và ông Tiến nhờ bà Lê Thị Phương cất giữ tiền. Sau đó, ông Tiến tự chia tiền cho các hội viên trong chi hội nên không có việc ông Dũng chiếm đoạt tài sản của chi hội”.

 

Từ những phân tích, nhận định này, xác định việc chi hội ủy quyền cho ông Tiến nhận tiền nhưng sau đó lại kiện ông Dũng là chưa thỏa đáng. Bên cạnh đó, việc TAND huyện Đông Hòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chi hội buộc ông Dũng, bà Phương phải trả tiền là không đúng và vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Đồng thời, cấp sơ thẩm xác minh, thu thập chứng cứ cũng chưa đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể nào bổ sung ngay tại phiên phúc thẩm.

 

Ngoài ra, theo biên bản xác minh của Công an huyện Đông Hòa và của TAND tỉnh thì trong quá trình giải quyết vụ án, ông Tiến bị tai biến nặng, không nhận thức, không nói được và mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, TAND huyện Đông Hòa khi tiến hành xử sơ thẩm đã không yêu cầu người giám hộ đại diện cho ông Tiến tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

 

Từ những chứng cứ đó, cấp phúc thẩm TAND tỉnh đã chấp nhận kháng nghị của Viện KSND huyện Đông Hòa, tiến hành hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung do có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cũng như áp dụng pháp luật về nội dung vụ việc không đúng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.

 

Người mất năng lực hành vi dân sự đương nhiên phải có người giám hộ

 

Trong trường hợp này, ông Tiến bị xác định là người mất năng lực hành vi dân sự. Theo đó, khi một người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định (theo Điều 22 Bộ luật Dân sự). Sau khi đã có quyết định tuyên mất năng lực hành vi dân sự của tòa án thì chồng (vợ) trở thành người giám hộ đương nhiên của người kia (căn cứ Điều 62 Bộ luật Dân sự 2005). Trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã Hòa Tâm - nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.

 

Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek