Mục tiêu của công tác phòng chống tham nhũng là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, song công tác này hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng so với thực trạng vẫn còn khoảng cách. Đây là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 4/3 tại Hà Nội.
Qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ Tư pháp đánh giá, trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của bộ ít xảy ra tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ tại các cơ quan, tổ chức đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ, phát hiện và xử lý 22 trường hợp.
Chánh Thanh tra Bộ đã ban hành 33 quyết định thu hồi tiền với tổng số tiền thu hồi hơn 1,5 tỉ đồng. Các biện pháp phòng ngừa luôn được Bộ xác định là biện pháp cần thiết, quan trọng và thường xuyên trong công tác phòng, chống tham nhũng; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Khâu quan trọng nhất là phát hiện hành vi
Các ý kiến cho rằng trong phòng, chống tham nhũng, khâu quan trọng nhất là phát hiện hành vi. Hành vi tham nhũng hiện được đánh giá là diễn biến phức tạp nhưng các vụ việc phát hiện, xử lý còn hạn chế, việc thu hồi tài sản do tham nhũng chưa làm tốt; việc kê khai tài sản hiện nay nặng về hình thức.
Vấn đề là phải công khai việc kê khai tài sản và quan trọng là tiến hành kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản. Qua thực thi cũng cho thấy quy định về tặng quà và nhận quà tặng chưa phát huy tác dụng trên thực tế do quy định chưa cụ thể, nhất quán với các quy định ở phần chung.
Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình gặp rất nhiều khó khăn, hiệu lực thi hành các quy định pháp luật được đánh giá là thấp nhất trong các biện pháp...
Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng khó có thể đạt được hiệu quả nếu tài sản tham nhũng được thu hồi thấp, ông Nguyễn Hồng Diện, Quyền Chánh Thanh tra Bộ cho rằng tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp một phần do quy định pháp luật hiện nay chưa rõ ràng nên hiệu quả tổ chức, thực hiện còn thấp.
Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng cho ngân sách nhà nước trong các vụ án lớn còn rất hạn chế, tiến độ giải quyết còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vẫn còn tình trạng án tuyên không rõ ràng, khó thi hành hoặc khi chuyển giao bản án, cơ quan Tòa án không chuyển giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan tới tang vật của vụ việc.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, việc thi hành án dân sự đối với các vụ án tham nhũng chỉ dựa trên bản án đã tuyên, trong khi quá trình tố tụng phải trải qua nhiều giai đoạn nên tài sản dễ bị tẩu tán; cần phải xây dựng “cơ chế liên hoàn” để thu hồi tài sản tham nhũng.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong thi hành án dân sự còn gặp khó khăn, vướng mắc do tài sản đảm bảo thi hành án có giá trị rất nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án; khó có thể xác minh được thêm tài sản hoặc nguồn thu nhập khác ngoài các tài sản đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên vì đối tượng phạm tội tham nhũng thường tìm mọi cách để tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản trong khi quyền hạn của Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự rất giới hạn...
Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Một trong những giải pháp được kiến nghị để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Trong đó, cần tập trung sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay; mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm cả các chủ thể ở khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về công khai, minh bạch của luật theo hướng: Quy định rõ về nguyên tắc công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định pháp luật; bổ sung các yêu cầu về nội dung, hình thức, thời kỳ và thời gian thực hiện công khai, minh bạch theo từng hình thức cụ thể để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh; quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức, cơ quan khác khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Luật hiện hành cần sửa đổi, bổ sung, mở rộng khái niệm quà tặng bao gồm cả lợi ích vật chất và các lợi ích khác; quy định rõ về định mức quà tặng tối đa; trách nhiệm kê khai, thông báo về việc nhận quà; việc tiếp nhận, xử lý thông tin về việc tặng quà và nhận quà...
Đối với quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cần sửa đổi, làm rõ khái niệm người đứng đầu và trách nhiệm của người đứng đầu nhằm cá thể hóa trách nhiệm theo từng cấp độ quản lý khi để xảy ra vụ việc tham nhũng; bổ sung, hoàn thiện quy định về việc bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin về vụ việc tham nhũng; quy định rõ hơn về các hình thức xử lý và thẩm quyền xử lý các hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan nhưng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như việc không thực hiện việc công khai, minh bạch, không trả lại quà tặng....
Cùng với sửa đổi, bổ sung luật hiện hành, cần rà soát kịp thời, kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bổ sung quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới phòng chống tham nhũng, tạo tính đồng bộ, thống nhất trong pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Theo TTXVN/Vietnam+