“Năm 2016 và giai đoạn 2016-2021, công tác tư pháp cần đề cao tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội. Song song đó, tập trung triển khai thi hành có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2016, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, thẩm định kiểm tra văn bản và theo dõi thi hành pháp luật gắn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính và triển khai tốt Luật Hộ tịch… góp phần thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của địa phương”. Đó là những ý kiến tâm huyết, những giải pháp cụ thể mà các đại biểu ngành Tư pháp tỉnh đề ra nhằm chung tay cải cách tư pháp tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2016 mới đây…
* TRƯỞNG PHÒNG TƯ PHÁP TX SÔNG CẦU TRẦN NGỌC LONG: Sớm đưa Luật Hộ tịch đi vào cuộc sống
Là địa phương có hơn 100.000 nhân khẩu ở 14 đơn vị hành chính phường, xã, trong thời gian qua, Phòng Tư pháp TX Sông Cầu luôn xác định công tác đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, từ khi Luật Hộ tịch được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016, chúng tôi đã chủ động tham mưu cho UBND thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện với từng nội dung công việc và thời gian thực hiện cụ thể. Đồng thời phân công trách nhiệm từng cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, ban ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các xã, phường trên địa bàn thị xã về thực hiện Luật Hộ tịch.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hộ tịch đến nay, chúng tôi đã gặp phải một số khó khăn. Đó là nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch ban hành chậm và công khai trên cổng thông tin điện tử quá muộn so với thời gian có hiệu lực của luật. Trong đó, việc triển khai hồ sơ, biểu mẫu theo Thông tư 15 của Bộ Tư pháp chưa đồng bộ đối với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, nên hồ sơ có yếu tố nước ngoài đều không theo quy định của thông tư, nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn bằng văn bản cho phép thực hiện. Đồng thời việc thu phí đối với các sự kiện hộ tịch có yếu tố nước ngoài của UBND cấp huyện, thị xã, thành phố chưa được quy định kịp thời nên gây lúng túng trong quá trình thực hiện, phần nào làm giảm đi hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và Luật Hộ tịch nói riêng cũng như sự tin tưởng của người dân trong công tác cải cách hành chính. Do đó, để thực hiện có hiệu quả công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong thời gian tới, đảm bảo quyền đăng ký hộ tịch của công dân và tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý, đăng ký hộ tịch của cơ quan nhà nước, cần phải đổi mới trình tự đăng ký thủ tục hộ tịch đơn giản hơn để Luật Hộ tịch sớm đi vào đời sống của mọi công dân.
* PHÓ TRƯỞNG PHÒNG TƯ PHÁP HUYỆN SƠN HÒA HỒ THỊ HỒNG CHUNG: Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa pháp luật vào đời sống xã hội. Xác định tầm quan trọng đó, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện, Phòng Tư pháp huyện Sơn Hòa đã chủ động tham mưu UBND huyện xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn. Đồng thời tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015”.
Tuy nhiên, thực tế trong quá trình triển khai cho thấy hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn gặp không ít khó khăn. Việc thu hút người dân tham gia tìm hiểu pháp luật còn hạn chế, vì khả năng tuyên truyền luật của cán bộ cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu, cán bộ làm công tác tuyên truyền về pháp luật còn quá ít. Vì vậy, nâng cao công tác giáo dục pháp luật không chỉ là đòi hỏi cấp thiết trong tình hình mới mà còn thiết thực giúp người dân tiếp cận kiến thức pháp luật, qua đó, đề cao tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong xã hội. Với tầm quan trọng đó, tôi nghĩ rằng trong thời gian đến cần phải có giải pháp cụ thể để đưa pháp luật vào cuộc sống. Nhất là cần phải kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, công chức làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở. Song song đó, đổi mới phương thức tuyên truyền, xây dựng nội dung, tài liệu tuyên truyền liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời phát huy vai trò người có uy tín, các già làng, trưởng thôn trong việc tuyên truyền pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Qua đó khuyến khích người dân tạo thói quen ứng xử bằng pháp luật trong quan hệ xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư.
* TRƯỞNG PHÒNG TƯ PHÁP TP TUY HÒA NGUYỄN HÙNG QUÂN: Đẩy mạnh công tác chứng thực
Trong thời gian qua, Phòng Tư pháp TP Tuy Hòa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chứng thực nhằm giúp người dân hiểu và biết được những quy định cơ bản đối với lĩnh vực này. Sau thời gian triển khai và thực hiện việc chứng thực theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký được xem là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện để hoạt động chứng thực từng bước đi vào nề nếp. Kết quả đáng ghi nhận trong công tác chứng thực hiện nay là vấn đề cải cách về thủ tục, sự phân cấp thẩm quyền chứng thực, sự chỉ đạo kịp thời của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực… đã đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu chứng thực.
Thế nhưng, trong thực tiễn, hiện công tác chứng thực tại Phòng Tư pháp và UBND các phường, xã trên địa bàn TP Tuy Hòa luôn quá tải. Nhất là người thực hiện chứng thực khó phát hiện được giấy tờ cấp sai thẩm quyền khi thực hiện chứng thực bản sao. Vì trên thực tế các giấy tờ, văn bản của các tổ chức nước ngoài cấp rất đa dạng, có giấy tờ, văn bản chỉ có chữ ký, không có đóng dấu, có loại có dấu nhưng không có chữ ký, màu dấu cũng khác nhau, có khi chỉ là dấu nổi không màu, cũng có loại chỉ có lôgô, biểu tượng… đã gây lúng túng cho người thực hiện chứng thực. Bên cạnh đó, mô hình “một cửa, một cửa liên thông” cũng là một trong những yếu tố gây áp lực cho người thực hiện chứng thực khi phải đáp ứng yêu cầu về thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật chứng thực hiện hành. Vì vậy, chú trọng thực hiện tốt công tác chứng thực không chỉ góp phần cải cách tư pháp, cải cách hành chính mà còn tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất đối với công tác này, đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong giai đoạn hiện nay.
VĂN TÀI (thực hiện)