TAND huyện Đồng Xuân vừa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Văn Chương (SN 1966, trú thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) cùng 7 đồng phạm. Do tòa áp dụng pháp luật chưa đúng quy định nên Viện KSND huyện đã kháng nghị và đề nghị xử phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với 3/8 bị cáo.
TỔ CHỨC ĐÁNH BẠC VÀ ĐÁNH BẠC
Theo nội dung vụ án, trong thời gian từ ngày 28/12/2011-19/1/2012, Lê Văn Chương đã cùng vợ là Bùi Thị Minh Luận rủ rê, lôi kéo các bị cáo Nguyễn Phụng (SN 1967), Ngô Thị Nhạn (SN 1957), Châu Thị Hoàng Anh (SN 1959), Đỗ Tư (SN 1964), Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1982, cùng trú thị trấn La Hai) và Phan Thị Ẩn (SN 1957, trú xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) đi ghi số đề của người chơi đề rồi tổng hợp nộp cho hai vợ chồng để hưởng lợi bất chính.
Liên tiếp các ngày từ 16-18/1/2012, vợ chồng Chương - Luận đã cùng với các đối tượng khác trong vụ án tổ chức đánh bạc bằng hình thức số đề với số tiền lớn. Cụ thể, vào ngày 16/1/2012, tổng số tiền đánh bạc là gần 21,8 triệu đồng, tiền thu lợi bất chính của Chương - Luận hơn 2 triệu đồng, của Nguyễn Phụng là 298.500 đồng. Ngày 17/1/2012, tổng số tiền đánh bạc gần 34,7 triệu đồng, tiền thu lợi bất chính của Chương - Luận là hơn 13,4 triệu đồng, của Nguyễn Phụng là 293.850 đồng, của Ngô Thị Nhạn là 513.605 đồng, của Châu Thị Hoàng Anh là 229.500 đồng. Ngày 18/1/2012, tổng số tiền đánh bạc hơn 174,4 triệu đồng, tiền thu lợi bất chính của Chương - Luận hơn 5 triệu đồng, của Nguyễn Phụng là 525.475 đồng, của Phan Thị Ẩn là 318.475 đồng, của Ngô Thị Nhạn là 532.380 đồng, của Châu Thị Hoàng Anh là 360.425 đồng, của Nguyễn Thị Thu Hương là 661.875 đồng, của Đỗ Tư là 129.050 đồng.
Chưa dừng lại, trong các ngày từ 28/12/2011-15/1/2012 và ngày 19/1/2012, Chương - Luận thu tịch đề của Nguyễn Phụng, Phan Thị Ẩn, Ngô Thị Nhạn, Châu Thị Hoàng Anh, Đỗ Tư với số tiền mỗi ngày từ trên 2 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng. Tổng số tiền đánh bạc gần 161,5 triệu đồng. Trong đó, Nguyễn Phụng tham gia đánh bạc 23 ngày, số tiền gốc từ gần 4,5 triệu đồng đến hơn 10,5 triệu đồng, tiền thu lợi bất chính của Chương - Luận hơn 92,2 triệu đồng, của Nguyễn Phụng hơn 6 triệu đồng, của Phan Thị Ẩn là 102.000 đồng, của Ngô Thị Nhạn là 986.280 đồng, của Châu Thị Hoàng Anh là 57.905 đồng, của Đỗ Tư là 35.100 đồng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm 20/2015/HSST ngày 19/11/2015, TAND huyện Đồng Xuân đã áp dụng điểm a khoản 2, Điều 248 và điểm b khoản 2, 3, Điều 249; điểm p khoản 1, Điều 46 và điểm g khoản 1, Điều 48, 50 Bộ luật Hình sự xử phạt Lê Văn Chương 2 năm tù về tội đánh bạc, 3 năm tù và hình phạt bổ sung 40 triệu đồng về tội tổ chức đánh bạc, tổng hợp hình phạt chung của cả hai tội là 5 năm tù.
Tòa sơ thẩm cũng áp dụng khoản 1, Điều 248; điểm b khoản 2, Điều 249, Điều 30 Bộ luật Hình sự; điểm p khoản 1, 2, Điều 46, 47; điểm g khoản 1, Điều 48, Điều 60 Bộ luật Hình sự xử phạt Bùi Thị Minh Luận 30 triệu đồng về tội đánh bạc và 1 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng về tội tổ chức đánh bạc. Đồng thời áp dụng khoản 1, 3, Điều 248; điểm p khoản 1, Điều 46; điểm g khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự xử phạt Nguyễn Phụng 5 tháng 28 ngày tù về tội đánh bạc và phạt bổ sung 12 triệu đồng.
Bản án còn tuyên phạt các bị cáo: Phan Thị Ẩn 5 tháng 28 ngày tù, phạt bổ sung 5 triệu đồng; Ngô Thị Nhạn 1 năm cải tạo không giam giữ, khấu trừ 20% thu nhập và phạt bổ sung 15 triệu đồng; Châu Thị Hoàng Anh 6 tháng cải tạo không giam giữ, khấu trừ 20% thu nhập và phạt bổ sung 5 triệu đồng; Nguyễn Thị Thu Hương 6 tháng cải tạo không giam giữ, khấu trừ 20% thu nhập và phạt bổ sung 5 triệu đồng; Đỗ Tư 6 tháng cải tạo không giam giữ, miễn khấu trừ thu nhập và hình phạt bổ sung vì hoàn cảnh khó khăn…
VIỆN KIỂM SÁT KHÁNG NGHỊ
Sau khi bản án tuyên, nhận thấy việc áp dụng pháp luật chưa đúng nên ngày 2/12/2015, Viện KSND huyện Đồng Xuân đã kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm 20/2015/HSST ngày 19/11/2015 của TAND huyện Đồng Xuân. Đơn vị này đề nghị tòa phúc thẩm TAND Phú Yên xét xử vụ án theo hướng tăng hình phạt chính cho cả hai tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc, cũng như áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền về tội đánh bạc đối với bị cáo Lê Văn Chương. Viện KSND huyện Đồng Xuân cũng đề nghị tòa phúc thẩm không áp dụng hình phạt chính bằng tiền về tội đánh bạc và không áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự để xử dưới khung hình phạt, không cho hưởng án treo, tăng hình phạt chính về tội tổ chức đánh bạc đối với bị cáo Bùi Thị Minh Luận; đề nghị tăng hình phạt chính đối với bị cáo Nguyễn Phụng về tội đánh bạc.
Căn cứ mà Viện KSND huyện Đồng Xuân kháng nghị là trong vụ án này, bị cáo Lê Văn Chương là người giữ vai trò chủ mưu, trực tiếp đứng ra tổ chức, điều hành. Bị cáo Chương phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần với số tiền đánh bạc lớn, tiền thu lợi bất chính tổng cộng gần 112,8 triệu đồng.
Đặc biệt là tại bản án sơ thẩm, hội đồng xét xử đã nhận định: “Lê Văn Chương là chủ mưu, cầm đầu tổ chức cho nhiều người tham gia đánh bạc dưới hình thức số đề được thu bằng tiền với quy mô lớn, bản thân có nhân thân xấu, từng bị phạt tù về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, thế nhưng bị cáo không chịu cải tạo mà tiếp tục phạm tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Trong đó, bị cáo đã trực tiếp tham gia đánh bạc 23 lần. Do đó cần áp dụng tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm g khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự đối với tội đánh bạc để lên mức án nghiêm…”. Nhận định như vậy nhưng bản án sơ thẩm lại chỉ xử phạt bị cáo Lê Văn Chương mức án 2 năm tù đối với tội đánh bạc và 3 năm tù đối với tội tổ chức đánh bạc! Đây là mức án khởi điểm của khung hình phạt của cả hai tội danh vừa nêu và chỉ xử phạt bổ sung đối với tội tổ chức đánh bạc 40 triệu đồng mà không áp dụng hình phạt bổ sung đối với tội đánh bạc là không tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả mà hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra cho xã hội, không đúng với nguyên tắc xử lý quy định tại khoản 2, Điều 3 Bộ luật Hình sự. Vì điều khoản này đã quy định rất cụ thể là nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy… có tính chất chuyên nghiệp.
Còn bị cáo Bùi Thị Minh Luận biết rõ hành vi phạm tội của bị cáo Chương nhưng vẫn đồng tình và tham gia giúp bị cáo Chương một cách tích cực trong quá trình tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức số đề. Bị cáo Luận phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần, trong đó có một tội rất nghiêm trọng nhưng bản án lại áp dụng phạt tiền đối với tội đánh bạc, đồng thời áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và cho hưởng án treo đối với tội tổ chức đánh bạc là không tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả phạm tội của bị cáo đã gây ra, không đúng với quy định tại điểm c, mục 10 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4/8/2000 và trái với quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Trong vụ án này, xét về tội đánh bạc thì hành vi của bị cáo Luận có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội chỉ đứng sau bị cáo Chương và có vai trò hơn hẳn các bị cáo Nguyễn Phụng và Phan Thị Ẩn nhưng bản án lại tuyên phạt các bị cáo Phụng, Ẩn hình phạt tù và tuyên phạt bị cáo Luận hình phạt tiền. Như vậy là không đúng với nguyên tắc xử lý quy định tại khoản 2, Điều 3 Bộ luật Hình sự quy định: “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật…”; và căn cứ quyết định hình phạt quy định tại Điều 45 Bộ luật Hình sự quy định: “Khi quyết định hình phạt, tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”.
Riêng bị cáo Nguyễn Phụng có vai trò tích cực trong vụ án, bị bắt quả tang khi đang nộp tịch đề, tham gia đánh bạc liên tục trong 23 ngày với số tiền gốc từ gần 4,5 triệu đồng đến hơn 10,5 triệu đồng, tổng số tiền thu lợi bất chính hơn 7,1 triệu đồng. Thế nhưng, bản án chỉ áp dụng mức mình phạt 5 tháng 28 ngày là nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện. Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Phụng có tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn bị cáo Ẩn, bị cáo Ẩn có nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn nhưng bản án tuyên hình phạt của bị cáo Phụng bằng với hình phạt của bị cáo Ẩn là không đúng với nguyên tắc xử lý quy định tại khoản 2, Điều 3 Bộ luật Hình sự và căn cứ quyết định hình phạt quy định tại Điều 45 Bộ luật Hình sự đã được viện dẫn ở trên.
Điểm c mục 10 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4/8/2000 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quy định: “Cần phải hạn chế và phải hết sức chặt chẽ khi áp dụng các quy định tại Điều 47, Bộ luật Hình sự năm 1999 trong trường hợp nếu không có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999, thì bị cáo phải bị xử phạt ở mức cao của khung hình phạt. Thông thường trong trường hợp này khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, thì tòa án có thể quyết định một hình phạt ở mức thấp nhất của khung hình phạt mà bị cáo bị xét xử”. Điểm b khoản 2, Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quy định: “Không cho hưởng án treo nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:… b/Bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội”. |
VĂN TÀI