Gần đây, đoạn đường sắt đi qua Phú Yên đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đâu là nguyên nhân và giải pháp kiềm chế tình trạng này?
TAI NẠN TĂNG ĐỘT BIẾN
Theo Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh, đơn vị quản lý đoạn đường sắt đi qua địa bàn Phú Yên, trong 6 tháng đầu năm 2007, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 13 người, bị thương 7 người, tăng gần gấp rưỡi về số vụ so với cả năm 2006, số người chết và bị thương do tai nạn cũng tăng cao.
Một đường ngang thuộc phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa - nơi đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt gây chết người - Ảnh: HOÀITRUNG
Cũng theo Công ty Quản lý đường sắt Phú Yên, địa bàn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nhất là TP Tuy Hòa với 10 vụ, trong đó khu vực phường Phú Lâm chiếm đến 4 vụ. Các xã An Mỹ, An Chấn (huyện Tuy An), cũng là những địa phương thường xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.
ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?
Ông Nguyễn Xuân Sen, Đội trưởng Đội quản lý đường sắt Tuy Hòa thuộc Công ty Đường sắt Phú Khánh cho rằng nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông đường sắt là do người tham gia giao thông không chấp hành Luật Giao thông. Ông Sen cho biết, hiện tất cả các đường ngang hợp pháp giao với đường sắt đã được lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động, nâng cấp bằng tấm đan bê tông cả hai phía đường ray, phát quang hành lang tạo tầm nhìn thông thoáng. Thế nhưng nhiều người dân chỉ vì nôn nóng hoặc bất chấp tất cả để vượt qua nút giao trong khi tàu đã đến gần. Một số trường hợp khác đùa giỡn, chăn thả súc vật, thậm chí say rượu nằm ngủ quên trên đường tàu.
Ngoài ra, tình trạng người dân tự ý mở thêm nhiều đường ngang bất hợp pháp cũng là nguyên nhân làm cho số vụ tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn Phú Yên tăng cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên chiều dài 95km đường sắt qua Phú Yên có đến 160 đường ngang dân sinh, trong đó có rất nhiều đường ngang đi qua những khu vực dân cư đông đúc. Mặc dù đơn vị quản lý đường sắt đã nhiều lần tìm cách “bịt” các đường ngang rất hợp pháp nhưng rồi mọi việc vẫn đâu vào đấy.
Mặt khác nhiều ý kiến cho rằng, hiện tuyến đường sắt đi qua Phú Yên có nhiều đường ngang hợp pháp thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông nhưng chưa được bố trí gác chắn như đường ngang xuống xã An Mỹ, đường ngang 1 Tháng 4 và một số đường ngang thuộc phường Phú Lâm. Mặc dù UBND tỉnh Phú Yên đã có nhiều công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty đường sắt Việt
GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ HẠN CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT?
Theo ông Nguyễn Xuân Sen, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông vẫn là biện pháp chủ yếu. Người tham gia giao thông mỗi khi qua đường sắt cần cẩn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt hiệu lệnh của các tín hiệu cảnh báo, đồng thời không được tự ý mở đường ngang dân sinh. Trong thời gian tới, ngành đường sắt sẽ khảo sát, rào lại các đường ngang bất hợp pháp; đồng thời có kế hoạch làm đường gom ở những nơi có mật độ đường ngang lớn, dân cư đông đúc như tại km1203 thuộc phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa. Trước mắt giải pháp tình thế là ngành đường sắt tham gia cảnh giới tại một số “điểm đen” vào những đợt cao điểm chạy tàu phục vụ lễ, tết nhằm góp phần hạn chế các vụ tai nạn giao thông đường sắt có thể xảy ra.
HOÀI TRUNG