Hiện số lượng án ngày càng có chiều hướng gia tăng, tính chất của vụ án, vụ việc ngày càng phức tạp. Thế nhưng, biên chế thẩm phán do TAND tối cao phân bổ còn ít, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thậm chí có địa phương, thẩm phán phải giải quyết số lượng án hàng tháng cao gấp đôi mức quy định của ngành nên ít có thời gian nghiên cứu, học tập…, làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Trước thực trạng này, việc nâng cao chất lượng công tác cán bộ của TAND hai cấp ở Phú Yên đang là yêu cầu cấp thiết.
CÒN NHIỀU HẠN CHẾ
Hiện TAND hai cấp tỉnh và huyện có 147/153 biên chế. Trong đó có 52 thẩm phán (13 trung cấp, 39 sơ cấp); 15 thẩm tra viên và 18 công chức khác; 2 thạc sĩ, 10 đang học cao học; 138 công chức có trình độ đại học; 2 cao đẳng; 4 trung cấp. Phần lớn các thẩm phán được đào tạo cơ bản, đào tạo lại, đào tạo chuyên sâu và đào tạo theo chuyên đề, song việc đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Do đó, công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, đặc biệt là bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhiều trường hợp không đủ chuẩn theo quy định, nhất là đội ngũ thẩm phán cấp huyện. Nguyên nhân là do trước đây, việc tuyển dụng cán bộ đầu vào đa số học tại chức, cán bộ học chính quy còn ít; từ đó dẫn đến việc thiếu hụt cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tòa án cấp huyện.
Số lượng án ngày càng có chiều hướng gia tăng, tính chất của vụ án, vụ việc ngày càng phức tạp hơn, nhưng biên chế thẩm phán do TAND tối cao phân bổ còn ít, không đáp ứng với tình hình thực tế. Lượng án mà thẩm phán phải giải quyết hàng tháng cao hơn mức quy định của ngành, thậm chí có địa phương, thẩm phán phải giải quyết số lượng án hàng tháng cao gấp đôi mức quy định. Từ đó dẫn đến việc thẩm phán ít có thời gian để nghiên cứu, học tập… làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Một số cán bộ, công chức thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật kém, chưa đề cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, nên vi phạm phải xử lý kỷ luật, có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tính chuyên nghiệp đối với thẩm phán trong công tác xét xử tuy được nâng lên một bước nhưng chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay; kỹ năng thực thi công vụ, kỹ năng tranh tụng tại tòa còn nhiều hạn chế.
CẦN KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI, YẾU KÉM
Từ thực trạng trên, với vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, để thực hiện tốt Nghị quyết 49-NQ/TW và Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm tiến trình cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay, trong thời gian đến, ngành TAND tỉnh cần quan tâm thực hiện một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ.
Cụ thể, ngành Tòa án cần nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng hiện nay để khắc phục tồn tại yếu kém, phát huy ưu điểm, thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; xứng đáng là công cụ đắc lực, sắc bén trong việc xử lý các vi phạm, tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân. Trong công tác xét xử, ngành Tòa án phải đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng, giảm thiểu đến mức thấp nhất các bản án, quyết định của tòa có sai sót do chủ quan, bảo đảm các phán quyết của tòa thực sự công bằng, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, đúng pháp luật, kiên quyết không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, ngành phải khắc phục tình trạng các vụ án kéo dài, quá thời hạn chuẩn bị xét xử, tuyên phạt cho hưởng án treo không đúng với quy định của pháp luật, án bị hủy, cải, sửa do lỗi chủ quan...
Ngành Tòa án cũng cần tăng cường việc tranh tụng công khai tại phiên tòa, đảm bảo công tâm, đúng pháp luật. Qua tranh tụng, chủ tọa phiên tòa, hội đồng xét xử tìm ra chân lý; xác định sự thật khách quan của vụ án, tăng cường đưa các vụ án lớn, án trọng điểm, án tham nhũng ra xét xử lưu động; quan tâm phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm bảo đảm thi hành án kịp thời, không để dây dưa kéo dài, nhất là việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. TAND hai cấp cần tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao, dân chủ, đúng luật. Trong công tác xây dựng nội bộ, ngành Tòa án cần làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ cán bộ công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán, lãnh đạo TAND hai cấp, chấn chỉnh tác phong lề lối công tác, kiên quyết làm trong sạch đội ngũ làm công tác xét xử, những người cầm cân nảy mực, xứng đáng là biểu tượng của nền công lý nước nhà.
Ngoài ra, ngành Tòa án còn phải tăng cường công tác quản lý, giáo dục phẩm chất đạo đức để mỗi cán bộ, công chức trong ngành phải thật sự công minh, chính trực, đàng hoàng, có đủ trình độ bản lĩnh trong giải quyết công việc. Đặc biệt, người thẩm phán, hội thẩm nhân dân phải công tâm, khách quan, thượng tôn pháp luật, không vì lợi ích riêng tư, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện cho được lời dạy của Bác Hồ là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, gần dân, học dân, hiểu dân, giúp dân và cũng là giúp chính mình.
ĐẶNG QUANG ANH
Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy