Đã có lúc họ mặc cảm mình từng là phạm nhân. Nhưng rồi nhờ sự động viên của gia đình, sự cảm thông của xã hội, họ đã vượt qua tất cả để làm người lương thiện. Dẫu con đường hoàn lương của mỗi người một khác, nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, họ đã trở thành những công dân có ích cho xã hội.
HOÀN LƯƠNG, LÀM KINH TẾ GIỎI
Năm 2011, sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội giao cấu với trẻ em, Nguyễn Quốc Đạm (SN 1980, ở thôn Mỹ Thuận Trong, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) trở về địa phương với quyết tâm làm lại cuộc đời. Nhờ sự giúp đỡ, động viên của gia đình, bạn bè, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ số vốn ban đầu là 25 triệu đồng, anh chọn nuôi thí điểm dê, gà, vịt xiêm, bồ câu thương phẩm… bước đầu đem lại thu nhập khá. Thấy làm ăn hiệu quả, Nguyễn Quốc Đạm đã mạnh dạn nhờ chính quyền địa phương bảo lãnh cho anh vay vốn tại ngân hàng với số tiền 100 triệu đồng. Có vốn, anh đầu tư mở rộng chuồng trại với diện tích hơn 1.500m2, mua thêm con giống về nuôi... Hiện nay, trang trại của anh có 50 con dê, 6 con bò, 100 con vịt xiêm, 150 con gà và gần 200 con bồ câu. Bình quân mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng.
Vừa bỏ lá cho đàn dê ăn, anh Đạm vừa kể cho khách nghe về công việc mỗi ngày của mình ở trang trại: Mỗi ngày, tôi dậy từ 4 giờ sáng, nấu 3 nồi cám cho bò, gà, chim bồ câu, sau đó thì lùa bò, chặt lá cho đàn dê… Thời gian cải tạo tại Trại giam Xuân Phước, tôi bị ám ảnh bởi một câu trong bản án kết tội, đó là “thích hưởng thụ, chây lười lao động”. Câu nói đó thúc giục tôi phải làm ngày, làm đêm…
Thấy con trai ngày ngày chí thú làm ăn, chăm lo trang trại, bà Dương Thị Kim cũng cảm thấy yên lòng. Bà vui mừng nói: Khi Đạm có ý định mở trang trại chăn nuôi, cả nhà đều ủng hộ. Thấy Đạm làm một mình vất vả, vợ chồng tôi tuy lớn tuổi nhưng cũng tham gia phụ giúp.
Nói về khát vọng hoàn lương và quyết tâm làm giàu của anh Đạm, ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng thôn Mỹ Thuận Trong, cho biết: Sau khi thực hiện án, trở về địa phương, anh Đạm đã xóa đi mặc cảm, nhanh chóng hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Không chỉ vậy, bằng chính nghị lực, bàn tay và khối óc của mình, anh đã làm giàu cho bản thân và gia đình. Hiện trang trại của Đạm là một trong những mô hình tiêu biểu của địa phương trong phát triển kinh tế.
NỖ LỰC HÒA NHẬP, ĐƯỢC DÂN TIN DÂN MẾN
Khác với anh Đạm, anh Đặng Lê Hải (SN 1980, ở thôn Mỹ Thạnh Trung 1, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) phải vào vòng lao lý vì tội gây rối trật tự công cộng. 18 tháng tù tại Trại giam Quân đoàn 3 đã giúp Hải nhận thấy được giá trị của cuộc sống. Được trở về với cuộc sống đời thường, anh nỗ lực tìm cách hòa nhập cộng đồng.
Vốn đã tốt nghiệp ngành Điện tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, Hải mạnh dạn xin vào làm việc tại HTX Hòa Phong và được chấp nhận. Nhờ nỗ lực của bản thân, anh đã tạo được niềm tin trong nhân dân và cấp ủy đảng, chính quyền. Năm 2009 là mốc thời gian đáng nhớ trong cuộc đời Đặng Lê Hải khi anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếp đó, năm 2013, Hải được người dân tin tưởng bầu làm trưởng thôn.
Ông Nguyễn Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết: “Trên cương vị Phó bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Mỹ Thạnh Trung 1, đồng chí Hải rất nhiệt tình, làm việc có trách nhiệm. Nhất là trong phong trào xây dựng đường nông thôn, đồng chí Hải đã vận động nhân dân góp công, góp của thực hiện bê tông hóa 100% tuyến đường trong thôn… Với những đóng góp của mình, mới đây, Hải tiếp tục được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn nhiệm kỳ 2014-2017”.
Không chỉ hoàn thành tốt vai trò của một trưởng thôn, Đặng Lê Hải còn lấy bài học về sự nông nổi của mình để giáo dục, cảm hóa những người có biểu hiện vi phạm pháp luật. Anh tâm sự: “Mỗi lần nghe nói ai có biểu hiện vi phạm pháp luật, tôi đến tận nhà giải thích cho họ hiểu về những hậu quả khi phạm tội. Và tôi thường lấy trường hợp của mình ra dẫn chứng để họ hiểu hơn. Tôi đã một lần sai lầm nên giờ đây tôi không muốn ai phải rơi vào cảnh tù tội”.
Nguyễn Quốc Đạm hay Đặng Lê Hải chỉ là hai trong số hơn 3.000 người chấp hành xong án phạt tù đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Cuộc sống của họ ngày hôm nay khẳng định một điều rằng với quyết tâm hoàn lương, những người từng lầm lỗi vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Hơn thế, gia đình và cộng đồng xã hội sẽ luôn đồng hành, giúp đỡ những người có khát vọng phục thiện. |
XUÂN TRIỆU - LỆ VĂN