Trong thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tư vấn và TGPL miễn phí cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, trung tâm còn cử trợ giúp viên, luật sư đại diện ngoài tố tụng để tham gia bào chữa cho các đối tượng TGPL khi có yêu cầu. Những hoạt động của trung tâm không chỉ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và các tổ chức kinh tế - xã hội mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách tư pháp.
HƯỚNG VỀ CƠ SỞ
Trung tuần tháng 4 vừa qua, dự một buổi TGPL lưu động cho người dân ở các xã Ea Chà Rang, Krông Pa, Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), tôi mới hiểu được việc thiếu thông tin, kiến thức về pháp luật của bà con dân tộc thiểu số nơi đây đến nhường nào. Những vấn đề cụ thể liên quan đến pháp luật về hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình… không phải người dân nào ở đây cũng am hiểu tường tận và nắm vững. Chính vì vậy, việc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh phối hợp với các phòng, ban của huyện Sơn Hòa tổ chức tư vấn, TGPL lưu động về các xã không chỉ giúp người dân được TGPL, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, mà còn góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội; phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Sau khi đoàn tư vấn cung cấp thông tin liên quan đến các dịch vụ pháp lý miễn phí, hơn ba giờ đồng hồ, các trợ giúp viên đã trả lời hàng chục câu hỏi liên quan đến lĩnh vực pháp luật cho bà con. Đi vào vụ việc cụ thể, ông Trần Văn Núi, người dân thôn Kiến Thiết (xã Ea Chà Rang) nêu vấn đề: “Trước đây, hàng xóm nghi ngờ tôi đốt mía của gia đình họ nên họ báo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, qua điều tra, kết luận tôi không phải thủ phạm. Vậy nay tôi muốn khởi kiện hàng xóm để đòi bồi thường danh dự, nhân phẩm thì thực hiện thế nào? Trình tự ra sao?”. Còn Ma Lan ở cùng thôn với ông Núi, hỏi: “Tôi thoát ly năm 1965, sau khi về địa phương đã nhận được trợ cấp một lần. Vậy tôi có thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng hay không?”. Tiếp nhận những vấn đề mà ông Núi và ông Lan đề cập, các trợ giúp viên, chuyên viên Phòng LĐ-TB-XH huyện lần lượt giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của họ.
Cũng như ở xã Ea Chà Rang, mặc dù đang vào vụ sắn, mía nhưng người dân xã Krông Pa vẫn thu xếp công việc đồng áng để tham gia chương trình TGPL. Tại các địa phương này, không chỉ có người dân mà hội viên các hội, đoàn thể như: Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ… đều tham gia nghe tư vấn, giải đáp pháp luật.
Một buổi trợ giúp pháp lý tại xã Suối Bạc - Ảnh: V.TÀI |
THÚC ĐẨY TIẾN TRÌNH CẢI CÁCH TƯ PHÁP
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Krông Pa, việc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đưa hoạt động tư vấn, TGPL hướng về các xã là rất cần thiết. Vì chính ở cơ sở mới là nơi có nhiều tranh chấp, xung đột trong đời sống cần được TGPL. Ngoài ra, người dân ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn thiếu kiến thức về pháp luật cũng như chưa thấy được hết ý nghĩa thiết thực của hoạt động TGPL. Do đó, việc tiến hành TGPL lưu động tại những nơi này giúp bà con nâng cao hiểu biết để sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Đồng thời góp phần giảm chi phí đi lại cho các đối tượng được TGPL, cũng như góp phần thúc đẩy lộ trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa IX ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Còn theo ông Lương Văn Trương, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, với phương châm “TGPL luôn đi cùng dân”, trong thời gian qua, mỗi trợ giúp viên, cộng tác viên pháp lý luôn được lãnh đạo trung tâm quán triệt quan điểm: “Không phải vì TGPL miễn phí mà tham gia thiếu nhiệt tình, làm không hết trách nhiệm với người được TGPL mà trên hết đó là vì tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của bản thân cũng như uy tín của trung tâm để sẵn sàng vượt qua khó khăn, vận dụng kiến thức và sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL”. Luật sư Nguyễn Ninh, cộng tác viên Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, cho biết thêm: “Khi trung tâm cử chúng tôi tham gia hoạt động tố tụng không chỉ nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị can, bị cáo mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật khách quan của vụ án, khắc phục kịp thời những thiếu sót trong tố tụng, giúp việc xét xử được đúng theo tiến trình cải cách tư pháp, cũng như bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng xã hội”.
Từng bước tạo niềm tin trong đời sống pháp luật của người dân
TGPL được hiểu là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL theo quy định của Luật TGPL năm 2006, giúp người được TGPL bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội; phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Vì vậy, trong thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh không ngừng có những biện pháp, giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác TGPL, đưa hoạt động TGPL đến gần với người dân, để người dân hiểu, dễ tiếp cận và sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí khi có những vướng mắc pháp luật. Qua đó, TGPL đã từng bước tạo được niềm tin trong đời sống pháp luật của người dân nói chung và các đối tượng chính sách nói riêng.
(Ông Lương Văn Trương, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh) |
VĂN TÀI