Ngày 20/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi) tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo tại khu vực phía bắc với sự tham gia của các trường ĐH, viện nghiên cứu, sở tư pháp. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện các bộ, ngành Trung ương tham dự hội nghị.
Tính đến ngày 15/4, qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương đã có hàng trăm nghìn lượt ý kiến về dự thảo bộ luật. Hệ thống thông tin đại chúng đã hoạt động hiệu quả, tích cực trong việc phổ biến, truyền tải thông tin về những bất cập từ thực tiễn, khả năng đáp ứng của dự thảo bộ luật, nguyện vọng của nhân dân…
Tất cả các ý kiến đóng góp đã được tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc, khách quan, trung thực. Nội dung ý kiến được Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan, tổ chức, chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng để dự kiến tiếp thu, chỉnh lý hoặc để giải trình, làm rõ hơn những vấn đề được đưa vào hoặc không đưa vào dự thảo bộ luật, bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ.
Các ý kiến phát biểu đều khẳng định, về cơ bản, các mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án bộ luật là phù hợp, có nhiều nội dung mang tính đột phá quan trọng góp phần triển khai thực hiện các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, các cam kết quốc tế về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Trong số 10 vấn đề mà Chính phủ xác định là trọng tâm xin ý kiến nhân dân, các ý kiến bày tỏ việc quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự và cho rằng, đây là một trong các đột phá của việc sửa đổi bộ luật lần này. Quy định như vậy sẽ góp phần bảo vệ một cách kịp thời và triệt để hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự; là bước đi cụ thể trong triển khai quy định về vai trò của tòa án trong Hiến pháp mới và góp phần thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, bảo đảm hội nhập quốc tế.
Theo đó, “Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân... Tòa án không được quyền từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 11 và Điều 12 của bộ luật này, án lệ có thể được áp dụng để xem xét, giải quyết”.
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sau khi được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân có 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. Phần thứ nhất “Quy định chung”; Phần thứ hai “Quyền sở hữu và các vật quyền khác”; Phần thứ ba “Nghĩa vụ và hợp đồng”; Phần thứ tư “Thừa kế”; Phần thứ năm “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”; Phần thứ sáu “Điều khoản thi hành”.
BTV (Tổng hợp)