Từ 1/7/2007, Luật cư trú sẽ có hiệu lực thi hành. Lần đầu tiên những thủ tục, điều kiện về đăng ký thường trú, tạm trú được qui định đơn giản, không còn là rào cản của người dân trong chuyện sở hữu nhà, học tập, làm việc tại các TP nữa.
Người dân chen chúc đăng ký hộ khẩu tại Công an TP.HCM.
Trước đây, một trong các điều kiện để người lao động từ các tỉnh khác đến làm việc tại TP được nhập hộ khẩu là có thời gian tạm trú ít nhất là ba năm, nhưng theo Luật cư trú sẽ chỉ còn một năm. Nhiều trình tự, thủ tục khác cũng thuận tiện hơn trong đăng ký hộ khẩu.
Công dân có quyền tự do cư trú
Luật cư trú khẳng định: công dân có quyền tự do cư trú, tức có quyền lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với qui định của pháp luật. Người có đủ điều kiện có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú cho mình.
Công dân được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú; được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền cư trú và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình.
Mọi công dân đều có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo qui định của pháp luật.
Luật cư trú nghiêm cấm mọi hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình; lạm dụng qui định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; nhận hối lộ, sách nhiễu, gây phiền hà trong việc đăng ký, quản lý cư trú.
Nghiêm cấm việc cán bộ, cơ quan chức năng tự đặt ra thời gian, thủ tục, biểu mẫu trái với qui định của pháp luật hoặc làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về cư trú; cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ về cư trú trái pháp luật; thu, sử dụng lệ phí trái qui định...
Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp sau: người bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; bị tòa án áp dụng hình phạt cấm cư trú; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế; người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.
Các điều kiện đăng ký thường trú
Tại các TP trực thuộc trung ương, người dân thuộc một trong các trường hợp sau thì được nhập hộ khẩu:
Thứ nhất, có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại TP đó từ một năm trở lên.
Thứ hai, được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình trong các trường hợp: người về ở với chồng (hoặc vợ), cha mẹ (hoặc con cái); người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột; người tàn tật, mất khả năng lao động, tâm thần, mất khả năng nhận thức... về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại.
Thứ ba, người được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Thứ tư, người trước đây đã đăng ký thường trú tại TP, nay trở về sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình.
Trong các trường hợp trên, nếu “chỗ ở hợp pháp” là nhà thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì người muốn nhập hộ khẩu vào nhà đó phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Thời gian đăng ký hộ khẩu: 15 ngày
Theo điều 12 Luật cư trú, khái niệm “nơi cư trú” của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo qui định của pháp luật.
Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ tại cơ quan công an theo thẩm quyền sau: đối với TP trực thuộc trung ương thì nộp tại công an huyện, quận, thị xã; đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại công an xã, thị trấn thuộc huyện, công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Hồ sơ bao gồm: phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu; giấy chuyển hộ khẩu (nếu chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh hoặc chuyển đi ngoài phạm vi quận huyện, thị xã của TP trực thuộc trung ương; thị xã, TP thuộc tỉnh), các giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Riêng trường hợp chuyển đến TP trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp theo qui định cho phép nhập hộ khẩu.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người nộp hồ sơ. Trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Theo CHI MAI - TTO