Trong thời gian qua, bên cạnh những ưu điểm, TAND hai cấp vẫn còn một số sai sót như: đánh giá chứng cứ không đúng, không đủ, cho hưởng án treo không đúng… dẫn đến nhiều bản án bị sửa hoặc hủy. Những tồn tại này cần được quyết liệt khắc phục trong thời gian tới.
ĐÁNH GIÁ CHỨNG CỨ KHÔNG ĐỦ, KHÔNG ĐÚNG
Theo ông Võ Nguyên Tùng, Phó chánh tòa Hình sự (TAND tỉnh), tại Điều 60 Bộ luật Hình sự thì án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Để thực hiện tốt chế định án treo, khi quyết định hình phạt phải quyết định thời gian phạt tù đúng với tính chất và mức độ phạm tội của bị cáo rồi mới cho hưởng án treo chứ không được nâng cao thời hạn tù rồi cho hưởng án treo vì cho đó là hình phạt nhẹ hơn. Do đó, khi quyết định hình phạt, hội đồng xét xử phải nghiên cứu tổng hợp và đánh giá chứng cứ theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự về quyết định hình phạt để xem có đủ điều kiện cho người bị kết án hưởng án treo theo hướng dẫn của TAND tối cao để áp dụng quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự hay không? Hội đồng xét xử cũng chỉ nên xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. |
Khoản 2 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Thẩm phán và hội thẩm nhân dân xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả các tình tiết của vụ án”. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đối với nhiều bản án, hội đồng xét xử vẫn đánh giá chứng cứ không đầy đủ, không toàn diện dẫn đến sai sót…
Điển hình như bản án hình sự sơ thẩm số 26/2013/HSST xét xử Lê Văn Lầm phạm tội cố ý gây thương tích của TAND huyện Tây Hòa. Trong đó, bản án xác định người bị hại bị thương ở vùng đầu, mặt với nhiều cơ chế tác động; vật chứng vụ án không thu được, nhưng cơ quan điều tra chưa xác minh, thu thập, truy tìm vật chứng theo Điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong khi đó, lời khai của bị cáo, người bị hại, người làm chứng còn nhiều mâu thuẫn nhưng chưa được đối chất theo quy định tại Điều 138 bộ luật này. Việc khám nghiệm hiện trường không có kiểm sát viên tham gia là vi phạm Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự. Diễn biến vụ án và địa điểm nơi xảy ra vụ án rất phức tạp nhưng không tiến hành thực nghiệm điều tra theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự. Với những sai sót nêu trên, cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, nên đã hủy bản án để điều tra lại.
Tương tự, TAND huyện Tuy An xét xử vụ Trần Thị Hải Yến phạm tội cố ý gây thương tích theo bản án hình sự sơ thẩm số 09 ngày 19/3/2013. Vụ án này có nhiều tình tiết phức tạp, có nhiều người tham gia và chứng kiến, nhưng chưa đưa họ vào tham gia để tiến hành tố tụng nhằm làm sáng tỏ vụ án. Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn có sai sót trong việc thu thập, niêm phong, thu giữ và bảo quản vật chứng. Việc sửa chữa, bổ sung lời khai của người làm chứng không đúng thủ tục hoặc lấy lời khai của nhiều người làm chứng trong cùng một lần, cùng một biên bản là không đúng quy định, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ, xác định sự thật khách quan của vụ án. Cấp phúc thẩm khi xét xử đã hủy bản án sơ thẩm nói trên để điều tra lại theo thủ tục chung.
CHO HƯỞNG ÁN TREO KHÔNG ĐÚNG
Qua xử phúc thẩm, TAND tỉnh đã chuyển 11 trường hợp không đủ điều kiện hưởng án treo sang tù giam. Trong đó, những trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự và nghị quyết hướng dẫn của TAND tối cao thường mắc phải do hội đồng xét xử đánh giá không đúng tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, quá chú trọng đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng, nên đã bị cấp phúc thẩm sửa bản án. Tiêu biểu như bản án 86/2013/HSST của TAND TP Tuy Hòa xét xử bị cáo Đặng Thị Nhung về tội chống người thi hành công vụ.
Theo hồ sơ vụ án, vào lúc 7 giờ 30 ngày 17/1/2013, đoàn công tác liên ngành của TP Tuy Hòa tổ chức đo đạc xác định vị trí, ranh giới, giới cận ba thửa đất có số hiệu 107 tại thôn Phú Vang, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) để giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Tô Nhị, bà Lương Thị Kim Hương với vợ chồng ông Đặng Có, bà Nguyễn Thị Tình. Khi đoàn công tác tiến hành đo đạc thì các bà Đặng Thị Sen, Đặng Thị Nhung và Đặng Thị Gái chửi bới tục tĩu. Bà Sen còn giật máy đo tọa độ kẹp vào giữa hai chân và dùng hai tay ôm giữ. Bà Nhung, bà Gái giật đứt thước dây, đuổi đánh và ném đá vào các thành viên đang đo đất, dùng tay đánh vào mặt, vai các ông Võ Minh Trang, Lê Tiến Quyết, Lê Thành Cương, cán bộ Công an TP Tuy Hòa và ông Hồ Tấn Thanh, cán bộ Công an xã Bình Kiến. Sau đó, bà Nhung cầm đá ném trúng đầu gối chân phải của ông Trang, ông Cương chụp giữ tay thì bị bà Nhung cắn vào cẳng tay gây thương tích buộc lực lượng bảo vệ phải áp giải bà Nhung và bà Gái đưa về UBND xã Bình Kiến để đoàn đo đạc tiếp tục làm nhiệm vụ.
Án sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 257; điểm b, p khoản 1 Điều 46, Điều 60 Bộ luật Hình sự phạt bị cáo Đặng Thị Nhung một năm tù cho hưởng án treo. Tuy nhiên, trong vụ án này, bản thân Đặng Thị Nhung không phải là người có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết tranh chấp đất đai, nhưng lại là người manh động, thực hiện tội phạm quyết liệt và tích cực nhất; thể hiện thái độ xem thường pháp luật. Khi lượng hình án sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng để phạt bị cáo một năm tù là đã có cân nhắc, nhưng cho bị cáo hưởng án treo là chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ, hành vi, hậu quả mà bị cáo gây ra, không đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Do vậy, cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm chuyển từ tù treo sang tù giam.
Tương tự, bản án 16/2014/HSST ngày 7/4/2014 của TAND huyện Đông Hòa xét xử các bị cáo Nguyễn Văn Hữu, Huỳnh Đức Minh về tội: tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ; Võ Văn Phụng, Phạm Văn Phong về tội: tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ. Trong một khoảng thời gian nhất định, các bị cáo liên tục mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Hữu mua, tàng trữ 10 lần được 50,3kg thuốc nổ, 312 kíp nổ, trong đó có 8 lần mua từ 3 đến 13kg thuốc nổ; bị cáo Huỳnh Đức Minh mua 7 lần được 20,3kg thuốc nổ, 87 kíp nổ, trong đó có 4 lần mua từ 2 đến 10kg thuốc nổ; bị cáo Võ Văn Phụng mua, tàng trữ 7 lần được 42kg thuốc nổ, 25 kíp nổ, trong đó có 6 lần mua từ 3 đến 13kg thuốc nổ; bị cáo Phạm Văn Phong bán 25kg thuốc nổ, 25 kíp nổ, trong đó có 6 lần bán từ 3 đến 7kg thuốc nổ, là trường hợp phạm tội nhiều lần. Nhưng bản án sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự để lượng hình là thiếu sót. Bên cạnh đó, các bị cáo Minh, Phụng, Phong phạm tội mua, bán, tàng trữ vật liệu nổ với số lượng lớn, chỉ có một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự và có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Nhưng bản án sơ thẩm lại áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Minh, Phụng và Điều 60 Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo Minh, Phụng, Phong để quyết định hình phạt và cho các bị cáo hưởng án treo là không đúng. Vì vậy đã bị cấp phúc thẩm sửa án.
LỆ VĂN