UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, thực hiện hiệu quả Kết luận 86-KL/TW và Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh quốc gia và công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới; các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người. Đồng thời, có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng và lực lượng công an tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, phải xác định đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng hợp của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và quần chúng nhân dân.
Việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm cần quan tâm tập trung chỉ đạo ở cấp xã, phường, thị trấn, địa bàn cơ sở, địa bàn nông thôn, miền núi, chú ý những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự để tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm, tạo môi trường trong sạch, không có tội phạm và tệnạn xã hội.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm; cảm hóa, giáo dục, quản lý người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. Vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật bằng nhiều hình thức; tiếp tục xây dựng mới và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh xã hội hóa công tác tuần tra canh gác, trong đó lực lượng công an, quân sự làm nòng cốt, thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuần tra để huy động nhân dân cùng tham gia. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ tiến hành rà soát toàn diện các đối tượng hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường và tệ nạn xã hội. Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để quản lý chặt chẽ di biến động của đối tượng, không để các đối tượng có điều kiện thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật hoặc tệ nạn xã hội. Chủ động mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Tập trung đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với các băng, nhóm tội phạm có tổ chức và các tụ điểm tệ nạn xã hội; các đường dây hoạt động phạm tội liên tuyến, liên tỉnh.
(PYP)