Trong dịp Tết Ất Mùi vừa qua, trong số 16 vụ xâm phạm trật tự xã hội xảy ra, có đến 7 vụ cố ý gây thương tích và 3 vụ giết người mà trong đó, nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống. Đối tượng phạm tội chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Chỉ vì một phút nông nổi, thiếu kiềm chế, có em đã gây ra hậu quả khôn lường.
GIẾT NGƯỜI CHỈ VÌ MỘT LỜI CHÊ
Vào khoảng 21 giờ ngày 20/2 (mùng 2 Tết Ất Mùi), sau khi tổ chức múa lân xong, Đặng Huy Hoàng (SN 1997, trú khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) thổi còi tập hợp đội lân tập trung trước cổng Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân để tổ chức họp rút kinh nghiệm thì bị Nguyễn Hoàng Thiện (SN 1986, trú cùng thôn), là người trong cùng đội lân chê thổi còi không đúng; cộng với mâu thuẫn trong lúc múa lân, Đặng Huy Hoàng đã dùng dao bấm thủ sẵn trong túi quần đâm Thiện hai nhát làm Thiện bị thương và chết trên đường đi cấp cứu.
Tiếp đó, vào khoảng 15 giờ ngày 22/2, Nguyễn Văn Bốn và Nguyễn Văn Giàu (cùng SN 1998 ở thôn Hảo Sơn Bắc, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) vào chơi trong khu du lịch Đập Hàn (thôn Hảo Sơn Nam, xã Hòa Xuân Nam) thì gặp nhóm của Nguyễn Lâm Thể, Trần Anh Tiến (cùng SN 1997 ở thôn Phước Lương, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa) và một số bạn đang chơi cách đó không xa. Do trước đây, Bốn và Giàu bị nhóm của Nguyễn Lâm Thể chặn đánh nên Bốn đã gọi điện thoại cho anh của Giàu là Nguyễn Văn Phú (SN 1995) đến đánh nhóm của Thể để trả thù. Phú nhận lời, chuẩn bị 1 con dao Thái Lan, 1 con dao phay và rủ thêm 2 người nữa chạy xe vào khu du lịch Đập Hàn. Tại đây, nhóm của Phú đã xông vào đánh nhau với nhóm của Thể. Trong lúc ẩu đả, Trần Anh Tiến (người trong nhóm của Thể) đã dùng dao Thái Lan đâm Phú làm Phú chết trên đường đi cấp cứu, 6 thanh niên khác bị thương, trong đó có Nguyễn Văn Phan (SN 1994) ở cùng thôn với Phú thấy xảy ra đánh nhau liền vào căn ngăn cũng đã bị đâm rách mặt.
Hiện tại, 2 đối tượng gây án ở 2 vụ án trên là Đặng Huy Hoàng và Trần Anh Tiến đã bị bắt tạm giam. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Phú Yên đang tiếp tục điều tra làm rõ.
NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA
Do thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kiềm chế bản thân nên các đối tượng trong các vụ án này đã gây ra những hậu quả hết sức đau lòng. Bên cạnh đó, một số đối tượng gây án thường có hoàn cảnh gia đình đặc biệt; thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của gia đình. Như trường hợp của Đặng Huy Hoàng. Ba mẹ của Hoàng đã ly dị và đều có gia đình khác. Hoàng ở với ông bà nội, thiếu tình thương, sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ.
Theo trung tá Ngô Khắc Sinh, Đội trưởng Đội Hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh, về mặt tâm lý, thanh thiếu niên là giai đoạn phát triển trước thời kỳ trưởng thành. Đây là lứa tuổi thường dễ bị tác động về mặt cảm xúc, hay nhạy cảm với các vấn đề của cuộc sống; tính tình bồng bột, bốc đồng và thiếu kiềm chế. Do đó, nếu không được giáo dục tốt, không được định hướng đúng, dễ bị tác động dẫn đến những hành vi xấu.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Huy Vị, Phó hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thanh thiếu niên sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Trong đó, do ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường đã làm đạo đức của một bộ phận giới trẻ hiện nay xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tượng một số thanh thiếu niên chỉ vì những hiềm khích nhỏ nhưng sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn là biểu hiện của sự “lệch chuẩn” đạo đức xã hội. Trong những trường hợp này, có em đã thể hiện tính “anh hùng cá nhân”, muốn thể hiện mình nhưng bị lệch chuẩn đạo đức xã hội.
“Sự lệch chuẩn đó xuất phát từ 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong gia đình, sự thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, gia đình không hòa thuận, không tôn trọng lẫn nhau, một số thành viên trong gia đình sống buông thả, rượu chè, cờ bạc, thậm chí phạm tội… đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của thanh, thiếu niên. Ngoài xã hội, các em bị ảnh hưởng của những phim ảnh, trò chơi điện tử kích động bạo lực. Mặt khác, sự buông lỏng quản lý, chưa phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc quản lý giáo dục các em hoặc phương pháp giáo dục chưa sâu sát. Bên cạnh đó, việc thất học, bỏ học sớm dẫn đến sự non kém về nhận thức các vấn đề xã hội, pháp luật”, tiến sĩ Nguyễn Huy Vị phân tích.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, để ngăn ngừa vấn đề bạo lực trong một bộ phận thanh thiếu niên, cần có sự phối hợp đồng bộ của 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội.
HOA SIÊM