Vụ tranh chấp quyền sở hữu nhà và hợp đồng mua bán căn nhà 07 Phan Bội Châu (phường 1) TP Tuy Hòa đã qua bốn lần xét xử. Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, khiếu nại của các bên liên quan được Tòa Dân sự TAND tối cao trả lời, khẳng định cấp phúc thẩm xét xử đúng pháp luật. Thế nhưng, các bên đương sự vẫn tiếp tục tranh chấp, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân xung quanh.
TỪ VỤ ÁN DÂN SỰ
Theo bản án dân sự phúc thẩm số 46/2006/DS-PT ngày 27/7/2006 của TAND tỉnh Phú Yên, nguyên ngôi nhà 07 Phan Bội Châu, phường 1 (TP Tuy Hòa) là của vợ chồng ông Lương Kỉnh và bà Dương Thị Bích được Nhà nước cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà vào ngày 8/10/1992. Ngày 21/12/1992, bà Dương Thị Bích bán căn nhà trên với diện tích sử dụng 60,72m2 cho bà Nguyễn Thị Xuân Liễu. Ngôi nhà này có cấu trúc hai phòng ở, phòng phía nam trúng đường theo qui hoạch. Trong thời gian về ở ngôi nhà này, bà Liễu đã cho em ruột là bà Nguyễn Thị Ánh Nga ở căn phòng phía nam và đã sửa chữa lớn căn phòng này. Bà Liễu nói rằng, bà chỉ cho bà Nga ở tạm, còn việc bà Nga tu sửa là lén lút trong thời gian bà đang nuôi chồng bệnh tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi trở về, bà Liễu biết bà Nga đã sửa chữa nhưng không có chứng cứ để cho thấy bà Liễu phản đối việc sửa chữa đó và bà Nga tiếp tục ở căn phòng này liên tục cho đến nay.
Theo trình bày của bà Trương Thị Hồng, là mẹ ruột của bà Liễu và bà Nga, cũng như nội dung các bức thư của con bà Hồng là vợ chồng ông Hà - bà Cúc ở Mỹ đã gởi tiền về cho bà Hồng mua căn nhà 07 Phan Bội Châu, vợ chồng bà Liễu về ở chung với bà Hồng tại ngôi nhà này. Do đó, tuy giấy tờ mua bán nhà là do bà Liễu đứng tên, nhưng thực tế là bà Hồng mua và đã cho bà Liễu và bà Nga ở là có căn cứ. Điều đáng lưu ý là căn phòng bà Nga đang ở nằm trong diện quy hoạch mở đường và khi có chủ trương kê khai tài sản bị giải tỏa, bà Nga là người đứng tên kê khai. Điều đó chứng tỏ bà Liễu đã công nhận quyền sử dụng căn phòng phía nam là của bà Nga. Vì lẽ đó, bà Liễu lập hợp đồng mua bán nhà 07 Phan Bội Châu cho vợ chồng bà Lê Thị Mỹ toàn bộ căn nhà (cả phần bà Nga đang ở) là xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của bà Nga.
Trong bản án phúc thẩm, tòa còn nhận định việc vợ chồng bà Mỹ lập hợp đồng mua bán nhà 07 Phan Bội Châu với bà Liễu là ngay tình, hợp pháp. Vợ chồng bà Mỹ hoàn toàn không có lỗi. Bà Liễu là người có lỗi trong quan hệ dân sự này. Việc tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu vợ chồng bà Mỹ, công nhận hợp đồng mua bán nhà 07 Phan Bội Châu giữa bà Liễu và vợ chồng bà Mỹ là hợp pháp, buộc bà Nga phải trả lại nhà và vợ chồng bà Mỹ trả lại tiền sửa chữa nhà cho bà Nga là thiếu căn cứ. Do đó, tòa phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm: Hủy một phần hợp đồng mua bán nhà giữa bà Liễu với vợ chồng bà Mỹ đối với phần diện tích bà Nga đang sử dụng. Công nhận bà Nga được quyền sử dụng căn phòng phía nam nhà 07 Phan Bội Châu với diện tích 14,58m2. Buộc bà Liễu trả cho vợ chồng bà Mỹ trị giá căn phòng phía nam hơn 51 triệu đồng.
Đối với bà Hồng, tại phiên tòa sơ thẩm, bà Hồng đã rút toàn bộ yêu cầu tranh chấp nhà 07 Phan Bội Châu với bà Liễu và chỉ yêu cầu tòa công nhận căn phòng phía nam là của bà Nga. Vì vậy, án sơ thẩm không xem xét yêu cầu của bà Hồng về tranh chấp sở hữu căn nhà 07 Phan Bội Châu. Tuy nhiên tại cấp phúc thẩm, phía bà Hồng lại đưa ra yêu cầu xem xét quyền sở hữu căn nhà này cho bà Hồng. Do cấp sơ thẩm không xem xét nên cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Hồng. Vì vậy, tòa xác định phần tường tiếp giáp với nhà và đất của bà Liễu thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà Mỹ theo hợp đồng mua bán đã lập.
Cả nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã khiếu nại bản án phúc thẩm lên TAND tối cao. Tòa dân sự TAND tối cao đã có công văn số 2709 ngày 31/10/2006 trả lời: Hướng giải quyết của cấp phúc thẩm là có cơ sở, đúng pháp luật.
KHU PHỐ BỊ QUẤY RỐI
Án phúc thẩm đã có hiệu lực hơn 10 tháng, nhưng các bên đương sự vẫn tiếp tục tranh chấp khiến tình hình an ninh trật tự tại tổ dân phố 46, khu phố 4 (phường 1) hết sức phức tạp. Bà Liễu cho biết: “Sau khi bán căn nhà trên, tôi không còn chỗ ở nên thuê lại căn phòng thuộc sở hữu của bà Mỹ để ở. Tòa tuyên căn phòng phía nam thuộc sở hữu bà Nga và buộc tôi hoàn trả giá trị căn nhà lại cho bà Mỹ là quá ép, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tôi. Thế nhưng, bà Hồng và những người trong gia đình lại tiếp tục vào ở cùng căn phòng gia đình tôi đang thuê là xâm phạm gia cư bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình tôi và bà con hàng xóm”.
Việc bà Hồng tiếp tục ở trên căn phòng thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà Mỹ đã khiến bà Mỹ gởi đơn đến công an và UBND phường 1 khiếu nại. Bà Mỹ bức xúc nói: “Tòa phúc thẩm đã công nhận tôi sở hữu một phần căn nhà 07 Phan Bội Châu nên việc bà Hồng vào nhà tôi ở là xâm phạm gia cư bất hợp pháp. Tôi đã nhiều lần gởi đơn đến chính quyền và Công an phường 1 can thiệp, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm”. Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng Công an phường 1 cho biết: “Chúng tôi đã hai lần mời bà Hồng đến để giải quyết, nhưng bà Hồng không chấp hành. Vì vậy, chúng tôi không giải thích và hòa giải được. Lúc 22 giờ 50 ngày 5/4/2007, Công an phường 1 cùng với khu phố tự quản đã kiểm tra hộ khẩu và lập biên bản tại căn nhà 07 Phan Bội Châu. Chúng tôi đã đề nghị gia đình bà Hồng đến trụ sở Công an phường 1 để giải quyết vụ việc, nhưng gia đình bà Hồng vẫn không đến. Căn cứ vào thẩm quyền và quy định pháp luật, chúng tôi đã tham mưu cho UBND phường 1 đã mời vợ chồng bà Mỹ đến để hướng dẫn quy trình thủ tục khiếu nại lên cấp có thẩm quyền giải quyết”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ba, Tổ trưởng dân phố 46, khu phố 4, phường 1 (TP Tuy Hòa) là người chứng kiến cảnh khu phố mất trật tự từ vụ tranh chấp nhà 07 Phan Bội Châu, bức xúc nói: “Chính việc xử đi xử lại nhiều lần, lúc thì người này thắng kiện, lúc người kia thắng kiện đã khiến vụ việc tranh chấp nhà 07 Phan Bội Châu thêm phức tạp. Tình nghĩa gia đình bị sứt mẻ, mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng hơn đã làm cho khu phố mất an ninh trật tự. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm giải quyết vụ việc để trả lại sự bình yên cho bà con khu phố này”.
ĐỨC HUY