Ngày 29/6/2006 Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) có hiệu lực từ ngày 1/1/2007. Luật này quy định về người được TGPL, tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL và quản lý nhà nước về TGPL.
Cán bộ Sở Tư pháp Phú Yên trợ giúp pháp lý ở cơ sở – Ảnh: CTV
TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL, giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Người thực hiện TGPL là trợ giúp viên pháp lý và người tham gia TGPL (cộng tác viên của trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, luật sư, tư vấn viên pháp luật). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến trợ giúp viên pháp lý, một chức danh tư pháp mới được quy định trong Luật TGPL.
Trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước, làm việc tại trung tâm TGPL nhà nước, được chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm và cấp thẻ theo đề nghị của giám đốc sở Tư pháp dựa trên những tiêu chuẩn được quy định tại Điều 21 Luật TGPL. Đó là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có bằng cử nhân luật, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL, có thời gian làm công tác pháp luật từ hai năm trở lên và có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trợ giúp viên pháp lý thực hiện TGPL bằng các hình thức:
- Tư vấn pháp luật;
- Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính;
- Đại diện ngoài tố tụng cho người được TGPL để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật;
- Thực hiện các hình thức TGPL khác.
Trong hoạt động TGPL phải tuân thủ nguyên tắc: Không thu phí, lệ phí và thù lao từ người được TGPL; trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL; tuân thủ pháp luật và nguyên tắc nghề nghiệp; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung TGPL.
Khi thực hiện TGPL; trợ giúp viên pháp lý có các quyền và nghĩa vụ sau đâu:
- Thực hiện TGPL;
- Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện TGPL trong các trường hợp mà Luật TGPL và pháp luật về tố tụng quy định phải từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện.
- Được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng TGPL.
- Tuân thủ nguyên tắc hoạt động TGPL.
- Tuân thủ nội quy nơi thực hiện TGPL.
- Kịp thời báo cáo với tổ chức thực hiện TGPL những vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện TGPL.
Như vậy trợ giúp viên pháp lý là một chức danh lần đầu tiên được Nhà nước quy định trong một văn bản pháp luật. Hiểu một cách đơn giản đó là những “luật sư công”, có những nhiệm vụ quyền hạn nhất định để bảo vệ pháp chế và thực hiện TGPL nhằm góp phần giúp cho người nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế tranh chấp, góp phần đảm bảo công bằng, thực hiện dân chủ trong đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
ĐÀO KHOA THỨC
(Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Yên)