Thứ Tư, 27/11/2024 03:15 SA
Thông tư 28/2014/TT-BCA của Bộ Công an:
Nhiều nét mới tiến bộ
Thứ Bảy, 09/08/2014 14:00 CH

Từ 25/8/2014 cấm ép cung, dùng nhục hình dưới mọi hình thức. Trong ảnh: 5 bị cáo nguyên cán bộ Công an TP Tuy Hòa, Công an tỉnh bị truy tố về tội dùng nhục hình - Ảnh: V.TÀI

Từ ngày 25/8 tới, các điều tra viên phải thực hiện nghiêm các quy định tố tụng trong điều tra vụ án hình sự, cấm bức cung, dùng nhục hình, không được lấy lời khai ngoài trụ sở, khi không có giấy triệu tập... Đây là nội dung chính mà Thông tư 28/2014/TT-BCA do Bộ Công an vừa ban hành quy định về công tác điều tra hình sự.

 

CẤM BỨC CUNG, DÙNG NHỤC HÌNH

 

Thông tư số 28/2014/TT-BCA được chia làm 7 chương, 46 điều,  có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8 và thay thế những quy định trước đây của Bộ Công an về hoạt động điều tra hình sự trong Công an nhân dân trái với thông tư này. Đặc biệt, Thông tư 28 quy định chi tiết thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004 về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra (CQĐT), các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, hoạt động điều tra của thủ trưởng, phó thủ trưởng các CQĐT, điều tra viên, cán bộ điều tra...

 

Đáng chú ý, thông tư quy định những việc điều tra viên, cán bộ điều tra không được làm một cách rõ ràng, chi tiết hơn hẳn các văn bản pháp luật trước đó. Cụ thể, theo Điều 31 của thông tư, ngoài những việc cấm tại Điều 33 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004 (tư vấn, can thiệp, lợi dụng ảnh hưởng để làm cho việc giải quyết án không đúng pháp luật…), điều tra viên, cán bộ điều tra còn bị cấm: không được tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và đơn, thư khiếu nại, tố cáo trái quy định hoặc không được phân công; không được tiếp thân nhân của bị can, người bị tạm giữ hoặc những người khác có liên quan ở bất cứ địa điểm nào, trừ trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ thì phải được sự đồng ý của thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng CQĐT.

 

Trường hợp bị can hoặc thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ tự động đến nhà hoặc gặp gỡ ngoài trụ sở thì điều tra viên, cán bộ điều tra phải giải thích, yêu cầu họ đến trụ sở cơ quan công an làm việc, đồng thời phải báo cáo ngay cho thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng CQĐT biết; không được ăn uống, nhận quà, tiền hoặc lợi ích khác của bị can hoặc thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ hoặc người có liên quan đến vụ án. Nếu thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ và người có liên quan đến vụ án cố tình biếu, cho, tặng quà, tiền hoặc các lợi ích khác thì phải từ chối và báo cáo ngay việc này; không được nhờ, sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với bị can, người bị tạm giữ, thân nhân của họ và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan…

 

Đồng thời, thông tư còn quy định cụ thể nhiều việc mà điều tra viên, cán bộ điều tra không được làm như nghiêm cấm bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào. Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định khi triệu tập, hỏi cung bị can tại ngoại, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người liên quan đến vụ án thì phải có giấy triệu tập. Những người bị triệu tập trên phải thuộc danh sách, kế hoạch đã được thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT duyệt. Giấy triệu tập gửi đến các đương sự cũng phải ghi đầy đủ các nội dung về việc triệu tập, tư cách tham gia tố tụng của người bị triệu tập.

 

Điều tra viên phải tiếp và làm việc với người bị triệu tập tại trụ sở cơ quan Công an hoặc UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc của họ. Trường hợp điều tra viên cần tiếp và làm việc với người bị triệu tập ngoài trụ sở công an, UBND xã phường hoặc cơ quan của họ phải được sự đồng ý của Thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng CQĐT.

 

Theo luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên, việc ban hành Thông tư 28 để thay thế các quy định trước đây của Bộ Công an về hoạt động điều tra hình sự như một biện pháp “làm nóng tâm lý” cần thiết. Nó như một lời nhắc nhở sau những vụ liên quan đến các cán bộ điều tra hầu tòa vì dùng nhục hình trong thời gian qua. Trở lại quy định cấm bức cung, mớm cung, dùng nhục hình trong Thông tư 28, quan trọng nhất vẫn phải là làm sao có mặt luật sư ngay từ giai đoạn điều tra. Đây là một kênh giám sát hiệu quả nhất để tình trạng này không tái diễn bởi giai đoạn này nghi can không thể tiếp xúc với ai khác ngoài điều tra viên. Nếu vẫn còn tình trạng điều tra viên làm khó luật sư, xúi hay ép nghi can từ chối luật sư thì không thể giải quyết được chuyện gì. Vấn đề quan trọng vẫn là những quy định mang tính chuẩn mực trong Thông tư 28 phải được hiện thực hóa chứ nếu CQĐT, điều tra viên không tuân theo thì cũng không có giá trị. Bản thân những người có thẩm quyền điều tra phải coi đây như là nhiệm vụ phải hoàn thành thì nó mới ăn sâu vào suy nghĩ và hành động. Nếu vẫn hiểu và thực hiện hời hợt, mang tính đối phó, cho có thì tất cả sẽ lại quay về như cũ.

 

MUỐN MỜI LÀM VIỆC, PHẢI CÓ GIẤY TRIỆU TẬP

 

Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định khi triệu tập, hỏi cung bị can tại ngoại, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người liên quan đến vụ án thì CQĐT phải có giấy triệu tập. Những người bị triệu tập trên phải thuộc danh sách, kế hoạch đã được duyệt. Giấy triệu tập phải ghi đầy đủ nội dung về việc triệu tập, tư cách tố tụng của người bị triệu tập.

 

Điều tra viên, cán bộ điều tra phải tiếp, làm việc với người bị triệu tập tại trụ sở cơ quan công an hoặc UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc của họ. Trường hợp cần tiếp và làm việc với người bị triệu tập ngoài trụ sở công an, UBND xã, phường hoặc cơ quan của họ phải được sự đồng ý của thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng CQĐT.

 

Ngoài ra, điều tra viên có trách nhiệm đảm bảo cho những người tham gia tố tụng hình sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, khi làm việc với những người tham gia tố tụng hình sự, điều tra viên phải giải thích cho những người này biết về quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật và việc giải thích phải ghi rõ vào biên bản hoạt động điều tra.

 

Cũng theo luật sư Nguyễn Hương Quê, theo Điều 20, Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Bên cạnh đó, theo Điều 6 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định.

 

Do vậy mọi người đều có quyền công dân theo luật định, không ai bị bắt, nếu không có quyết định của tòa, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện KSND, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải theo quy định của Luật Tố tụng hình sự. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

 

Khi người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý tham gia các hoạt động tố tụng hình sự thì điều tra viên thực hiện theo quy định của BLTTHS 2003, Luật Trợ giúp pháp lý 2006, Thông tư liên tịch số 10/2007 của Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao, Thông tư 70/2011 của bộ trưởng Bộ Công an… Điều tra viên chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cán bộ trại tạm giam hoặc nhà tạm giữ để bảo đảm cho các hoạt động của người bào chữa hoặc của người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật khi họ được gặp người bị tạm giữ, tạm giam.

 

LỆ VĂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek