Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nổi lên tình trạng một số người dân, nhất là thanh thiếu niên tự chế súng để săn bắn. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây phức tạp cho tình hình an ninh trật tự.
Thiếu tá Phan Thị Duy Trưng, Phó đội trưởng Đội Đặc doanh, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: Các loại súng tự chế được xác định là loại súng có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, được quy định tại khoản 3, Điều 3, Pháp lệnh số 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Súng dài khoảng 1 đến 1,2m; báng súng bằng nhựa hoặc gỗ; nòng súng bằng nhựa hoặc kim loại, bên trong có ống kim loại để nạp đạn; cò súng sử dụng IC để đánh lửa; bộ phận hơi sử dụng nguyên liệu cồn hoặc gas; sử dụng đạn bằng viên bi sắt (bi xe đạp). Loại súng này có khả năng gây sát thương cao ở khoảng cách dưới 20m. |
Lúc 7 giờ 45 ngày 14/7/2014, qua tin báo của quần chúng nhân dân, Công an xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) bắt quả tang đối tượng Huỳnh Đình Dương (SN 1994, thường trú thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam) sử dụng súng tự chế trái phép. Dương khai nhận khẩu súng này mượn của Nguyễn Kim Khuê (SN 1992, trú cùng thôn). Làm việc với đối tượng, cơ quan công an nắm được thông tin khẩu súng này do Khuê tự chế. Sau khi đọc hướng dẫn cách chế tạo súng trên một website, Khuê xin vài ống nhựa, mua và tận dụng một số vật dụng có sẵn. Sau 5 lần thử nghiệm, Khuê chế tạo thành công khẩu súng hơi, sử dụng cồn, bắn đạn bi dùng để săn thú rừng, sau đó cho Dương mượn.
Đại úy Vũ Mạnh Cường, Đội phó Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Đồng Xuân, cho biết:
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Công an huyện Đồng Xuân đã phát hiện, thu giữ và vận động người dân giao nộp 12 khẩu súng tự chế. Đa số đối tượng tự chế súng là thanh thiếu niên. Những đối tượng này lên mạng tìm hiểu cách chế tạo, sau đó mua các bộ phận như ống nhựa, ống sắt, IC bếp gas… về tự chế súng sử dụng. Với khoảng 150.000 đến 200.000 đồng, các đối tượng có thể mua đủ các dụng cụ để chế tạo một cây súng. Loại súng này có thể bắn chết chim, chồn, gà rừng… và không loại trừ khả năng, khi xảy ra ẩu đả, xích mích, các đối tượng có thể sử dụng súng này để giải quyết mâu thuẫn. Và thực tế, vào ngày 18/11/2013, tại huyện Sông Hinh đã xảy ra vụ dùng súng tự chế bắn chết người, lực lượng công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thu hồi khẩu súng này.
Qua 2 năm thực hiện Pháp lệnh số 16 và mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, lực lượng công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng thu hồi 172 khẩu súng tự chế. Tuy nhiên hiện nay, do sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với sự ảnh hưởng của phong tục, tập quán săn bắt nên một số người dân còn sử dụng súng tự chế, cất giấu trên nương rẫy để săn bắn, phòng vệ đã gây không ít khó khăn cho công tác vận động, thu hồi. Vì vậy, mỗi người dân cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, không tự ý chế tạo, sử dụng hoặc tàng trữ các loại súng tự chế, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Điều 10 Nghị định số 167/ NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội nêu rõ:
Phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả;
- Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
- Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng;
- Không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.
Phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép;
- Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm. |
HOA SIÊM