Thứ Tư, 27/11/2024 07:22 SA
Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn
Thứ Bảy, 02/08/2014 15:00 CH

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo - Ảnh: V.TÀI

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa tổ chức hội thảo về hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính khả thi, tăng cường hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại TP Tuy Hòa. Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến thiết thực, góp phần giúp PCTN hiệu quả hơn trong thời gian tới.

 

LUẬT CÒN NHIỀU BẤT CẬP

 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, từ khi được Quốc hội khóa X thông qua ngày 29/11/2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012, Luật PCTN đã từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, minh bạch, tuân thủ pháp luật trong hoạt động của bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, qua 2 lần sửa đổi, bổ sung và nhiều năm tổ chức thực hiện Luật PCTN, đến nay, tình trạng tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành… gây bức xúc trong xã hội. Công tác PCTN vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng. Kết quả tổng kết thực hiện Luật PCTN cho thấy, thực trạng vừa nêu có nhiều nguyên nhân, kể cả những nguyên nhân về thể chế, chính sách pháp luật và thực tiễn thi hành Luật PCTN, nhất là trách nhiệm của các cấp, ngành, các địa phương trong công tác này. Vì vậy, để hoàn thiện các quy định của Luật PCTN, cũng như kịp thời phát hiện và có giải pháp khắc phục ngay những yếu kém, hạn chế của luật này, hội thảo lần này tập trung thảo luận, đánh giá tính khả thi, tính phù hợp với thực tiễn PCTN ở Việt Nam của các quy định pháp luật. Qua đó làm căn cứ, cơ sở để xác định trách nhiệm của từng cấp, từng địa phương, người có thẩm quyền trong công tác triển khai thực hiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện Luật PCTN trong thời gian đến.

 

Nhìn nhận về những hạn chế trong thực tiễn triển khai Luật PCTN, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, bất cập trong thực hiện. Việc kê khai, công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức là nhằm giảm nguy cơ phát sinh tham nhũng nhưng hiện công tác này còn mang nặng tính hình thức. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác PCTN chưa hiệu quả, chưa làm giảm nguy cơ tham nhũng. Dẫn chứng thêm về vấn đề này ông Anh nói: “Trong 3 năm qua, tỉlệ công chức kê khai tài sản rất cao, trung bình hằng năm có từ 97 đến 98% người trong diện kê khai đã thực hiện. Thế nhưng, việc kiểm soát, phát hiện, xử lý người vi phạm trong kê khai tài sản thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, cả nước chỉ xác minh được trên 5.800 bản kê khai, chiếm tỉ lệ 1,3%. Từ khi Luật PCTN có hiệu lực đến cuối năm 2013, VKSND các cấp chỉ truy tố trên 1.900 vụ án tham nhũng với gần 4.700 bị can. Con số này không phải lớn so với tình hình tham nhũng đang được xem là quốc nạn ở Việt Nam. Có từ 30 đến 40% vụ tham nhũng bị phát hiện là thuộc cấp xã, 20% thuộc cấp huyện, 10% là cấp tỉnh và chỉ 0,3% ở cấp trung ương. Vì vậy, người ta thường ví Luật PCTN của Việt Nam là một đạo luật không có răng, cắn không đau”.

 

Còn theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), việc kê khai tài sản, thu nhập hiện còn nặng về hình thức do chỉ dựa vào ý thức tự giác, hầu hết không được kiểm tra, xác minh. Cùng với đó là quy định nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm gắn với người có nghĩa vụ kê khai chưa hợp lý; hình thức công khai bản kê tài sản, thu nhập còn hạn chế, vướng mắc… Ông Hùng cho biết, bức thiết nhất hiện nay là chưa có quy định rõ ràng việc xử lý đối với tài sản kê khai không trung thực hoặc giải trình không hợp lý.

 

Cùng quan điểm với ông Hùng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho rằng: “Việc kê khai thu nhập hiện nay còn rất nhiều bất cập, cán bộ công chức chỉ mới kê khai tài sản của vợ chồng, con cái. Điều đó chứng tỏ chúng ta chưa đánh vào những nơi có khả năng trú ẩn của tham nhũng. Trong khi đó, trên thế giới người ta công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của quan chức trên các trang web cho toàn thế giới biết. Còn chúng ta là công khai nửa vời”.

 

NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

 

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, tình trạng tham nhũng luôn là vấn đề có tác động tiêu cực đến các lĩnh vực đời sống xã hội, làm ảnh hưởng tới sự ổn định trật tự xã hội và việc phát triển của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực do tham nhũng gây ra. Tuy nhiên, để làm được điều đó, việc hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính khả thi và tăng cường hiệu quả thực hiện các biện pháp PCTN là hết sức cần thiết. Trong đó, việc hoàn thiện pháp luật phải bảo đảm yêu cầu đặt pháp luật PCTN làm trọng tâm, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và đảm bảo cơ chế để thực hiện có hiệu quả. Vì thế, cần sớm ban hành quy định về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức và đề án về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Song song đó, sớm rà soát các quy định hiện hành, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, trước hết là trong những lĩnh vực để xảy ra tham nhũng như: Quản lý, sử dụng đất đai và tài nguyên khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng; quan hệ giữa Nhà nước với người dân và doanh nghiệp… Đây chính là tiền đề quan trọng để phòng ngừa tham nhũng, hạn chế tối đa các kẽ hở pháp luật có thể bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng. Qua đó, pháp luật về PCTN cũng được thực hiện nghiêm minh và đạt hiệu quả cao hơn.

 

Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị: “Khi tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp thì cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp của cơ quan PCTN lên và các biện pháp tiến hành cần đảm bảo tính pháp lý. Loại tội phạm này rất phức tạp, nếu chúng ta chỉ dùng biện pháp thông thường, giống như bắt hổ mà không dùng dây sắt, chỉ dùng dây thừng thì hổ sẽ vồ lại. Do đó, cần phải thành lập một cơ quan chống tham nhũng có quyền lực thực sự. Và điều quan trọng là cơ quan chống tham nhũng phải độc lập nhằm tạo ra sự khách quan, khi đó việc chống tham nhũng mới hiệu quả”.

 

Còn Trung tướng Trần Đăng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) đề xuất: “Cần hoàn thiện về mô hình tổ chức đối với các cơ quan chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng. Trong đó quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các biện pháp nghiệp vụ, được trang bị đủ các điều kiện, phương tiện làm việc, chính sách đãi ngộ thỏa đáng… đủ sức mạnh để làm nòng cốt trong phát hiện, điều tra, xử lý tội tham nhũng”.

 

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU: Sớm hoàn thiện Luật PCTN 

 

Hiện nay, việc ban hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật về PCTN chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trong đó, ở góc độ ban hành pháp luật, đúng là có những khiếm khuyết, hạn chế như thiếu tính khả thi, thiếu cụ thể, quy định chưa rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, chế tài… dẫn đến hạn chế hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhìn từ góc độ tổ chức thực hiện, luật pháp có rồi nhưng thực hiện chưa nghiêm, như quy định về các biện pháp phòng ngừa, công khai minh bạch, kê khai, quản lý thu nhập, quản lý quà tặng, phát hiện, xử lý… Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN mà phải hoàn thiện chung về pháp luật, cả về phòng và chống. Cả hệ thống pháp luật cần nhìn lại xem đã đạt yêu cầu về phòng, chống tội phạm tham nhũng chưa. Về chế tài, phải chăng luật pháp Việt Nam chưa nghiêm trong việc chống tham nhũng? Qua hội thảo này, cơ quan chức năng sẽ có đánh giá từ thực tiễn công tác đấu tranh PCTN để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này.

 

PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN: Cần có cơ chế “hu thuẫn” cho những người phát hiện tham nhũng

 

Luật PCTN và những lần sửa đổi, bổ sung sau đó đã từng bước hoàn thiện cơ chế xử lý tham nhũng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát hiện tham nhũng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, cũng như đòi hỏi của nhân dân. Đây chính là một thách thức rất lớn đối với Đảng và Nhà nước. PCTN là một công tác hết sức khó khăn, đó là cuộc đấu tranh trong nội bộ của các cơ quan nhà nước và nội bộ của những người có chức vụ, quyền hạn. Chính vì vậy, PCTN là một cuộc đấu tranh bền bỉ, liên tục, lâu dài và đòi hỏi sự thẩm tra của toàn dân. Đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng. Muốn phát hiện được tham nhũng nhiều thì cần phải có cơ chế, chính sách để “hậu thuẫn” cho những người phát hiện tố cáo trong công tác này. Nhất là phải có cơ chế khen thưởng để khuyến khích, cũng như bảo vệ người dân và các cơ quan báo chí trong việc phát hiện các vụ việc tham nhũng.

VĂN TÀI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek