(Tiếp theo kỳ trước và hết)
CTY RVP KINH DOANH BẤT CHẤP PHÁP LUẬT
Trở lại vấn đề vì sao hiện nay UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Cty RVP tự tháo dỡ dây chuyền sản xuất mía đường và nếu không thực hiện tỉnh sẽ chỉ đạo cưỡng chế?
“Công ty Vạn Phát đã phá rào trong đầu tư và có những vi phạm về trình tự đầu tư” - ông Đoàn Xuân Hòa (đứng), Trưởng đoàn công tác Chính phủ, kết luận tại cuộc họp giải quyết khiếu nại và kiến nghị của Công ty Vạn Phát hôm 22/12/2006 - Ảnh: P.V |
Những ai tìm hiểu vấn đề này đều biết rằng (chỉ có tác giả Trang Anh là cố tình không biết): Dự án đầu tư của Cty RVP, được tỉnh phê duyệt đầu tư là nhà máy cồn ga CO2 phân vi sinh, nguyên liệu là mật rỉ về sau có bổ sung cho mua thêm sắn lát, đường trầm… không hề cho phép sản xuất đường. UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ cho vùng nguyên liệu 500 ha ở Xuân Lâm, Sông Cầu nếu Cty RVP thiếu nguyên liệu và chỉ được phép làm phân xưởng ép xi-rô trên vùng nguyên liệu. Đến nay, Cty RVP chưa có dự án sản xuất mía đường, chưa có qui hoạch vùng mía, nhưng cố “bắt” tỉnh Phú Yên chấp nhận việc đã rồi bằng cách ứng hơn 200 triệu đồng hỗ trợ cho nông dân ở đó trồng 34 ha mía. Vùng Nhất Sơn, Hòa Hội, được UBND tỉnh Phú Yên giao cho Cty TNHH Hải Vân trồng ca cao, thế nhưng hai Cty RVP và Hải Vân chuyển nhượng bất hợp pháp, Cty Hải Vân đã nhận sai phạm và hứa sẽ cùng Vạn Phát giải quyết hậu quả.
Như vậy căn cứ những quy định của pháp luật, việc xây dựng nhà máy đường kết tinh và đầu tư cho vùng mía của Vạn Phát là sai hoàn toàn. Từ lúc Cty RVP mới triển khai việc làm sai trái này, huyện Sơn Hòa, các ngành chức năng của tỉnh đều có thông báo yêu cầu công ty dừng lại. Đoàn kiểm tra của Chính phủ khi về Phú Yên làm việc cũng kết luận nêu rõ “Cty RVP giữ nguyên hiện trạng không được tiếp tục đầu tư thiết bị sản xuất đường, tập trung hoàn thành sớm các hạng mục đã được phép đầu tư, đưa nhanh nhà máy sản xuất cồn vào hoạt động”. Thế nhưng, mỗi lần chính quyền địa phương yêu cầu dừng lại, Cty lại khiếu nại, tranh thủ thời gian Chính phủ thụ lý giải quyết khiếu nại và những bài báo cổ vũ việc làm sai của mình để hoàn thiện nhà máy… Vậy thì, có còn kỷ cương pháp luật không? Bạn đọc ở Phú Yên lấy làm lạ rằng: Phóng viên Báo Công an TP.HCM vì sao lại không bảo vệ những việc làm đúng pháp luật, mà lại đi cổ vũ những người bất chấp pháp luật, xem thường công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Nhà máy Vạn Phát với nhiều hạng mục xây dựng trái phép xây dựng tại thôn Mặc Hàn (Sơn Hà, Sơn Hòa) - Ảnh: THẾ LẬP |
Một cái cớ mà Cty RVP và tác giả bài báo đã nêu là Sở Kế hoạch Đầu tư Phú Yên cấp phép kinh doanh cho Cty RVP nhiều ngành nghề trong đó có chức năng sản xuất đường kết tinh, để cho rằng UBND tỉnh Phú Yên đã cho phép sản xuất đường là một ngụy biện rất ngây ngô. Bởi Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không phải giấy phép, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là để doanh nghiệp có thể còn lập chi nhánh và triển khai kế hoạch đầu tư. Còn muốn sản xuất đường kết tinh phải có qui hoạch và dự án được phê duyệt. Trong công văn số 89 ngày 10 tháng 01 năm 2007 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát tại Phú Yên đã khẳng định: “Công ty TNHH Rượu Vạn Phát cho rằng theo Luật Doanh nghiệp, công ty có thể sản xuất các mặt hàng mà pháp luật không cấm. Thực tế, ngoài Luật Doanh nghiệp, khi đầu tư các dự án, doanh nghiệp phải tuân thủ các Luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam, như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Môi trường… và không phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cụ thể trong trường hợp này là quy hoạch phát triển mía đường của tỉnh Phú Yên”. Đến nay, UBND tỉnh chỉ cấp cho Cty RVP 5 ha, xây dựng nhà máy cồn ga CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp; chỉ có cho phép mua thêm sắn lát, đường trầm; chứ không hề cho xây dựng nhà máy đường. Không riêng gì Phú Yên mà bất cứ tỉnh nào, nhà đầu tư muốn xây dựng nhà máy đều phải có dự án được phê duyệt, dự án đó không phá vỡ qui hoạch phát triển kinh tế địa phương. Thế mà, Cty RVP bất chấp các quy định tự ý xây dựng nhà máy trái với qui hoạch của tỉnh, trái với chỉ đạo của Chính phủ.
... VÀ BẤT CHẤP ĐẠO ĐỨC
Cũng cần nói thêm, Cty RVP không chỉ vi phạm luật pháp và đã có những biểu hiện kinh doanh thiếu đạo đức. Trong văn bản số 42/2006-RVP ngày 20/11/2006 gửi UBND tỉnh Phú Yên, bà Bùi Thị Quy đề nghị tỉnh để KCP ra đi và bà cam kết đầu tư nhà máy 4.000 tấn mía/ngày, cam kết thu mua hết mía của nông dân, rõ ràng đây là một đề nghị kém văn hóa và đạo đức, cạnh tranh không lành mạnh, dùng chính quyền để ép nhà đầu tư khác. Trong thực tế ở Phú Yên, Cty RVP đã tự ý xây dựng nhà máy đường ngay trên vùng nguyên liệu được tỉnh phân định cho Nhà máy đường KCP và vận động nông dân ở đây bán mía cho mình, là một kiểu cạnh tranh không lành mạnh. Riêng ở quê hương của chính bà chủ Cty RVP là tỉnh Bình Định, Cty RVP đã đầu tư 2 nhà máy cồn rượu ở Phú Tài (TP Quy Nhơn) và huyện Tây Sơn. Các nhà máy trên đều vi phạm Luật Môi trường, đều gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhân dân không đồng tình, buộc phải đóng cửa.
Từ năm 2001, RVP cũng đã đầu tư dây chuyền sản xuất cồn tại khu công nghiệp Phú Tài, tỉnh Bình Định với tên gọi Công ty TNHH rượu Bình Định. Tuy nhiên, khi bắt đầu hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường quá nặng và nhiều lần bị người dân đến đập phá, ném đá, chặt cây, xô ngã bờ tường và đốt cả văn phòng. Năm 2004, UBND tỉnh Bình Định buộc RVP phải di chuyển cơ sở sản xuất lên huyện Tây Sơn cách Phú Tài khoảng 50 km về phía tây. Tuy vậy, khi nhà máy chuyển về địa điểm mới thì hàng trăm người dân đã đến đập phá cơ sở RVP cũng với lý do gây ô nhiễm môi trường.... Tất nhiên hành động của người dân là vi phạm pháp luật nhưng điều đó đã phản ảnh nỗi bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường sống mà RVP gây ra.
Xét đơn thuần về kinh doanh, Cty RVP đưa về Phú Yên một nhà máy cổ lỗ, công suất quá nhỏ 500 tấn mía/ngày, trái với chủ trương phát triển ngành mía đường của Chính phủ, theo đánh giá của các chuyên gia là không đủ sức cạnh tranh trong sản xuất mía đường hiện nay. Với nhà máy kiểu như vậy, ai dám bảo đảm đạt hiệu quả sản xuất trong thời hội nhập. Như vậy, “ốc không lo nổi mình ốc”, làm sao là chỗ dựa cho nông dân Phú Yên trồng mía được. Ai đó bảo vệ cho việc xây dựng Nhà máy đường của Cty RVP chính là muốn phá vỡ chương trình mía đường của Phú Yên, muốn cho hàng vạn nông dân Phú Yên đang phấn khởi với những vụ mía bội thu lại phải khóc trên ruộng mía.
Cty RVP đã sai phạm hàng loạt như vậy. Nếu tác giả Trang Anh tìm hiểu vấn đề thật khách quan, chắc chắn không thể viết hai bài báo trên. Dư luận cho rằng, sở dĩ tác giả viết như vậy, chỉ vì một trong hai trường hợp sau: một là, thiếu hiểu biết; hai là, (nếu không thiếu hiểu biết) thì chỉ có thiếu đạo đức chân chính của người cầm bút, bởi chỉ thiếu đạo đức mới không tôn trọng sự thật, không tôn trọng pháp luật, tự cho mình cái quyền phê phán chính quyền các địa phương để bảo vệ cho một kiểu làm ăn tự do vô chính phủ như Cty RVP.
UBND tỉnh Phú Yên đã và đang quản lý việc đầu tư đúng pháp luật, đúng chỉ đạo của Chính phủ, sẽ tiếp tục chỉ đạo thực thi công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh tế theo pháp luật để ổn định phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, để các nhà đầu tư chân chính có cơ hội, môi trường phát triển tài năng, làm giàu cho mình và cho tỉnh Phú Yên.
KHÁNH HOÀNG