Thứ Hai, 30/09/2024 12:20 CH
Bảo vệ quyền trẻ em: phải chăng luật pháp chưa nghiêm?
Thứ Sáu, 20/04/2007 14:30 CH

Thực tế hiện nay, do nhận thức pháp luật của người dân chưa cao, khi con em bị “người của cơ quan Nhà nước”  xâm hại, họ không biết hoặc không dám tố cáo, khiếu nại theo quy định của Luật Tố tụng hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con em mình.

 

070420-cac-chau.jpg
Trẻ em cần được bảo vệ đầy đủ các quyền - Ảnh: MINH KÝ

 

Liên tiếp mấy tháng qua, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải những tin bài làm xôn xao dư luận, gây phẫn nộ trong công chúng, đó là các vụ thầy giáo, công an ép cung, đánh đập, bắt bớ, xét hỏi… học sinh. Điển hình là vụ em Trâm 10 tuổi, học lớp 5 ở tỉnh Đồng Tháp bị thầy giáo Tổng phụ trách Đội và hiệu trưởng đưa đến công an xã, lập “hội đồng” truy xét, ép cung nhằm chỉ tìm ra 47.800 đồng tiền “heo đất” của lớp, làm cho em trở nên điên loạn do bị sợ hãi và ức chế tinh thần. Ở Phú Yên, mới đây là vụ thầy giáo Đặng Văn Dương (Trường THCS Võ Trứ, Tuy An) uống rượu say trước khi lên lớp rồi xử sự kiểu côn đồ nơi bàn nhậu, đánh nhiều học sinh ngay tại lớp trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Cối năm 2006, tại TP Tuy Hòa và huyện Đông Hòa cũng đã có những vụ công an bắt trái phép và đánh, bắn  học sinh gây thương tích để ép cung, gây sự phẫn nộ trong dư luận.

 

Điều 299 Bộ luật Hình sự năm 1999 nêu rõ về tội bức cung: Khoản 1- Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; khoản 2- Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai đến bảy năm; khoản 3- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm; khoản 4- Người bị phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một đến năm năm.

 

Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Hình sự: trong trường hợp làm tổn hại sức khỏe, gây thương tích… phải bồi thường thiệt hại về vật chất (chi phí thuốc men, chữa chạy và những phí tổn khác…) 

Lâu nay, khi đề cập đến vấn đề bảo vệ quyền trẻ em theo Công ước Quốc tế và Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, chúng ta thường lên án những ông bố, bà mẹ vô lương tâm, thiếu tình thương, đối xử tồi tệ, xâm hại thể xác và xúc phạm nhân phẩm của trẻ em, hoặc lên án việc cưỡng ép trẻ em gái, việc bắt trẻ chưa đến tuổi lao động phải làm những công việc nặng nhọc… Còn hành vi vi phạm pháp luật của những người “thực thi và bảo vệ pháp luật”, của những người làm cái nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý”- dạy người, thì hầu như ngại hoặc không dám nói đến, có xử lý thì chỉ xử lý nhẹ vì là đồng nghiệp của nhau cả. Sự tổn thất về sức khỏe, tinh thần của học sinh, sự mất mát uy tín của một ngành, một cơ quan, người ta không quan tâm bằng cái gọi là “uy tín, sinh mệnh chính trị” của một vài cá nhân. Phải chăng ngày nay, khi vấn đề cá nhân đang được đề cao, người ta đã đặt quyền lợi của một cá nhân - là đồng nghiệp của mình - lên trên danh dự, uy tín của tập thể, của ngành? Chính vì thế mà việc xử phạt không nghiêm, không đúng pháp luật nên ngày càng có nhiều những vụ xâm hại sức khỏe, tinh thần của trẻ em nói chung và học sinh nói riêng.

 

“Trẻ em như búp trên cành”, Bác Hồ đã viết như thế trong bài thơ “Thiếu nhi” từ những năm 40 của thế kỷ trước. Bài thơ viết cho thiếu nhi, nhưng Bác đã gửi gắm vào đó tình thương bao la, sự chở che, ấp ủ dành cho các cháu, qua đó nói lên trách nhiệm của cả xã hội đối với việc chăm sóc thiếu nhi. Đảng ta cũng luôn coi trọng nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng. Lúc sinh thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn trăn trở, ước mơ là làm sao cho các cháu thiếu nhi được sung sướng, hạnh phúc. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói đại ý: Khi chúng ta chưa có chủ nghĩa xã hội cho người lớn, thì trước hết phải có chủ nghĩa xã hội cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trong khi toàn Đảng, toàn dân đang cố gắng phấn đấu xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh, trong đó thiếu niên, nhi đồng đang được sự ưu ái nhất, thì lại có những “con sâu” làm hại các cháu, bôi bẩn chế độ, điều đó thật là tệ hại.

 

Thực tế hiện nay, do nhận thức pháp luật của người dân chưa cao, khi con em bị “người của cơ quan Nhà nước”  xâm hại, họ không biết hoặc không dám tố cáo, khiếu nại theo quy định của Luật Tố tụng hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con em mình. Một số cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em lại chưa làm tròn trách nhiệm của mình, nể nang nhau, bỏ qua việc đấu tranh, hoặc đưa ra trước pháp luật để truy cứu trách nhiệm những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn  xâm hại sức khỏe, nhân phẩm trẻ em. 

 

Để không còn tái diễn những cảnh đau lòng như trên, thiết nghĩ cần phải xử phạt thật nghiêm, thật nặng những người đã có những hành động xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em. Cùng tội danh “cố ý gây thương tích”, nhưng nếu nạn nhân là trẻ em thì phải xem đây là tình tiết tăng nặng hoặc có thể đẩy khung hình phạt cao thêm trong Bộ luật Hình sự để có sức răn đe những kẻ xâm hại trẻ em. Như vậy mới có thể hạn chế, chấm dứt tình trạng coi thường, xâm hại trẻ em.

 

TRẦN HỮU

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek