Vài năm trước, khi có những vụ tiêu cực ở vài trạm cân cố định cùng với việc ta thán của những tài xế đường dài, Hiệp hội Vận tải trên vài diễn đàn gần xa cho rằng: Những trạm cân kia vừa làm ngưng trệ giao thương, vừa là nồi cơm nếp cho một nhóm người trục lợi.
Những cơ quan chức năng “biên tập” dần các trạm cân ấy, đồng thời với nó là gia cố, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Những tưởng, với những tuyến đường được lên hạng, lên cấp ấy đủ sức gánh hết các phương tiện dù cho nó có là “quái vật đường dài” siêu trường siêu trọng đi chăng nữa, nhưng thực tế không như các nhà quản lý dự tưởng. Đường sá xuống cấp nhanh trông thấy. Cân đối lại nguồn thu, người ta mới vỡ ra, không biết các doanh nghiệp vận tải nộp vào ngân sách Nhà nước được bao nhiêu, nhưng số tiền chảy từ ngân sách đầu tư cho giao thông từng gói, từng gói hàng nghìn, hàng chục nghìn tỉ đồng.
Thực tế nhãn tiền đó khiến những nhà quản lý toan tính lại. Thay vì lập những trạm kiểm soát tải trọng xe cố định, người ta áp dụng mô hình kiểm soát bằng cân tải trọng di động.
Bẵng đi một thời gian khá dài, cánh tài xế dưới sức ép của các chủ doanh nghiệp, chất tải, chồng tải vô tội vạ thoải mái băm nát các tuyến đường thì giờ đây họ giật mình chững lại. Và những hệ lụy, bất cập cũng theo đó trường diễn. Giá cước vận chuyển rậm rịch tăng. Xe xếp hàng chồng lấn chờ giờ chuyển ca của các trạm cân để vượt trạm. Thay vì chạy ngày thì giờ họ tích cực chạy đêm bởi các chốt kiểm soát tải trọng “ngày cân, đêm bỏ”. Nhiều chốt bất lực nhìn xe vượt mặt, lòng vòng né trạm, tặc lưỡi buông xuôi. Lại thêm, suốt dọc tuyến thiên lý Bắc - Nam chỉ mới 36/63 tỉnh thành áp dụng hình thức kiểm soát tải trọng này, khiến tình trạng xôi đỗ, nơi buông nơi siết. Cùng với nó, hình thức kiểm soát di động này phát lộ sự thiếu căn cơ của các bãi chứa hàng xuống tải…
Bao hệ lụy và bất cập ấy, để rồi đường nghẽn và cũng chẳng bớt được kilôgam nào tải trọng. Có khác chăng, trước đây chất tải toàn tuyến thì bây giờ chất tải cục bộ.
Nhắc lại bài toán căn cơ, đồng bộ trong thời điểm này vẫn chưa là quá muộn.
TRÍ QUÂN