Khoảng 80% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong thời gian qua do mô tô, xe máy gây ra hoặc có liên quan đến mô tô, xe máy. Số nạn nhân bị chấn thương sọ não chiếm trên 70% và tỉ lệ tử vong rất cao, những người thoát khỏi cái chết thì mang di chứng nặng, trở thành tàn phế. Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Phú Yên, tai nạn xe máy thường dẫn đến chấn thương sọ não, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong. Nếu đội mũ bảo hiểm (ĐMBH) khi đi xe máy sẽ giảm chấn thương sọ não khi rủi ro xảy ra TNGT, và như vậy sẽ giảm số người chết do TNGT.
Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy có thể tránh được chấn thướng sọ não nếu rủi ro bị TNGT - Ảnh: V. LANG
ĐMBH khi đi mô tô, xe máy tham gia giao thông quan trọng như vậy, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều người xem thường. Họ đưa ra nhiều lý do để không chấp hành ĐMBH ở những đoạn đường bắt buộc. Anh N.N.M ở huyện Đông Hòa bị cảnh sát giao thông xử phạt vì không ĐMBH khi đi xe máy trên
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Yên, trong năm 2006, qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đã phát hiện xử lý 25.048 trường hợp lái xe vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, trong đó có 8.888 trường hợp điều khiển và ngồi trên mô tô, xe máy tham gia giao thông không ĐMBH, chiếm 35,48%. Nhiều người có mang theo mũ bảo hiểm, nhưng chỉ khi nào phát hiện cảnh sát giao thông kiểm tra trên đường mới đội lên đối phó. Trong các trường hợp vi phạm TTATGT bị cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông phát hiện, xử lý từ đầu năm 2007 đến nay, lỗi không ĐMBH luôn chiếm tỉ lệ cao. Chẳng hạn, như ngày 28/3 có 84/179 trường hợp vi phạm, ngày 29/3 có 67/130 trường hợp vi phạm, ngày 31/3 có 29/71 trường hợp vi phạm bị phát hiện xử lý…
Một thực trạng đáng quan tâm là mặc dù quy định bắt buộc ĐMBH đã ra đời từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều đợt vận động, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường xử phạt… nhưng thời gian gần đây, số lượng người ĐMBH khi ngồi trên xe máy tham gia giao thông không tăng mà lại giảm đáng kể. Quan sát trên các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 25, Quốc lộ 1D, ĐT 645 và nhiều tuyến đường có quy định bắt buộc ĐMBH sẽ thấy rất rõ điều này. Nếu như vào thời điểm năm 2004, có khoảng 80 – 85% số người ngồi trên các xe máy tham gia giao thông ĐMBH thì kể từ sau khi Chính phủ quy định giảm thời gian giam xe từ 10 ngày (đối với lỗi không ĐMBH) xuống còn 3 ngày, chỉ khoảng 50% người ĐMBH và tỉ lệ này đang có chiều hướng tiếp tục giảm. Nguyên nhân của việc này, theo thượng tá Trần Quốc Toản, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an Phú Yên là mức phạt tiền cho lỗi vi phạm theo Nghị định 152/CP của Chính phủ còn thấp, không đủ mạnh để răn đe. Mặt khác, công tác tuyên truyền vận động việc ĐMBH khi điều khiển và ngồi trên xe máy tham gia giao thông cũng chưa được tiến hành thường xuyên, đồng bộ. Thời gian đầu, công tác này được tiến hành khá rầm rộ nhưng càng về sau càng lắng xuống.
Theo thượng tá Trần Quốc Toản, để người tham gia giao thông có ý thức hơn trong việc ĐMBH, Nghị định 152 của Chính phủ cần phải sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền các lỗi vi phạm TTATGT nói chung, lỗi không ĐMBH nói riêng. Đồng thời, cần “hâm nóng” quy định bắt buộc ĐMBH đối với người ngồi trên mô tô, xe máy tham gia giao thông. Các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng nhân dân, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân ĐMBH khi tham gia giao thông, làm cho mọi người dân nhận thức được việc ĐMBH là để bảo vệ tính mạng của chính mình, khi rủi ro xảy ra TNGT.
VĂN LANG