Nội quy phiên tòa quy định: “Mọi người ở trong phòng xử án đều phải có thái độ tôn trọng hội đồng xét xử (HĐXX), giữ gìn trật tự và tuân thủ sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa”. Quy định là thế, nhưng hiện nay ở một số phiên tòa hình sự vẫn còn diễn ra tình trạng quấy rối, gây mất trật tự phiên tòa.
Lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa đang can ngăn gia đình bị cáo gây gổ với bị hại - Ảnh: ĐỨC THÔNG
Phiên tòa phúc thẩm vụ án hiếp dâm và cướp tài sản do một nhóm thanh niên ở huyện Phú Hòa gây ra do TAND tối cao tại Đà Nẵng vừa xét xử được dư luận quan tâm vì tính chất nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp vì các bị cáo kháng cáo kêu oan… Cũng chính điều này đã khiến phiên tòa rất căng thẳng. Vì vậy, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa nhắc nhở gia đình các bị cáo thật bình tĩnh, không được bức xúc, gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến phiên tòa. Tuy nhiên, trong giờ nghỉ giải lao, gia đình bị cáo đã xông vào gây gổ với bị hại làm náo loạn trong phòng xử án, may mà lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa ngăn cản kịp thời. Sau đó, gia đình bị cáo tiếp tục có những lời lẽ xúc phạm đến bị hại, gây mất trật tự.
Trước sự việc gia đình bị cáo bị kích động, chủ tọa phiên tòa giải thích luật: “Gia đình các bị cáo không đồng tình với bản án có quyền khiếu nại giám đốc thẩm theo luật định, không được gây mất trật tự tại phiên tòa”. Chủ tọa phiên tòa cũng đề nghị lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Những người nào làm ồn ào, mất trật tự phải có biện pháp áp giải ra khỏi phiên tòa.
Việc quấy rối phiên tòa không chỉ xảy ra ở lúc nghỉ giải lao mà trong phần xét hỏi, người nhà bị cáo luôn có ý kiến mà chưa được phép của chủ tọa, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với HĐXX. Trong khi, nội quy phiên tòa còn quy định: “Mọi người ở trong phòng xử án đều phải đứng lên khi HĐXX vào phòng xử án, chỉ những người được triệu tập để xét hỏi mới được phát biểu và người nào muốn phát biểu phải được chủ tọa phiên tòa cho phép…”. Hơn nữa, sau phần tuyên án, gia đình bị cáo dùng tay đập bàn và nằm lăn ra trước phiên tòa. Dẫu biết rằng, những người thân nhìn các bị cáo ở tuổi còn rất trẻ sớm phải đi vào con đường lao lý là nỗi đau lớn. Song, trước phiên tòa phải thượng tôn pháp luật, không chấp nhận những hành vi mang tính chất cảm tính, gây mất trật tự phiên tòa. Nếu gia đình bị cáo thấy rằng mức án mà cấp phúc thẩm tuyên xử đối với các bị cáo là oan thì khiếu nại giám đốc thẩm để được xem xét.
Tình trạng quấy rối phiên tòa đã đến lúc cần có biện pháp mạnh để chấn chỉnh nhằm đảm bảo trật tự cho phiên tòa.
NGUYÊN ĐỨC