Mới đây, TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm đã quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm số 48/2012/HSPT ngày 22/11/2012 củaTòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng và bản án hình sự sơ thẩm số 20/2012/HSST ngày 17/8/2012 của TAND tỉnh Phú Yên về phần trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Kim Phúc (nguyên Giám đốc Sở TN-MT) và 9 thuộc cấp trong vụ án tham ô tài sản Chương trình tăng cường năng lực quản lý đất đai và môi trường Phú Yên (Chương trình SEMLA Phú Yên) thuộc Sở TN-MT Phú Yên để TAND tỉnh Phú Yên xét xử sơ thẩm lại. Lý do mà Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy án là do hội đồng xét xử cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã áp dụng không đúng quy định của pháp luật về chế định án treo, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm tham ô tài sản.
LẬP KHỐNG CHỨNG TỪ ĐỂ RÚT TIỀN DỰ ÁN
Quang cảnh một phiên xử sơ thẩm vào tháng 8/2012 - Ảnh: V.TÀI
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 1/2007 đến 11/2009, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình SEMLA Phú Yên về xây dựng hương ước bảo vệ môi trường tại xã An Chấn (Tuy An) và xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu), xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tỉnh Phú Yên, điều tra khảo sát vùng ngập mặn tại huyện Tuy An và TX Sông Cầu, Nguyễn Kim Phúc và 9 thuộc cấp gồm: Hà Thượng Trúc (SN 1959, nguyên Kế toán trưởng), Nguyễn Văn Mẫu (SN 1966, nguyên Chánh văn phòng), Võ Văn Dũng (SN 1978, nguyên thư ký chuyên trách Chương trình SEMLA Phú Yên), Nguyễn Thị Thanh Vy (SN 1967, nguyên Phó chi cục Môi trường), Trần Thị Na (SN 1968, nguyên Phó phòng, trưởng nhóm đất đai Chương trình SEMLA Phú Yên), Phan Thế Quốc (SN 1973, nguyên chuyên viên Chương trình SEMLA Phú Yên), Võ Ngọc Tuân (SN 1976, nguyên Phó chi cục Môi trường), Lưu Phạm Bá Luân (SN 1981, nguyên chuyên viên Chương trình SEMLA Phú Yên) và Phan Thị Kim Oanh (SN 1979, nguyên Phó phòng Môi trường) lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao trong quá trình đi công tác, thực hiện dự án đã nhiều lần lập chứng từ khống rút tiền của dự án để chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Tổng số tiền mà Nguyễn Kim Phúc và 9 thuộc cấp chiếm đoạt hơn 430 triệu đồng. Hành vi này bị Viện KSND tỉnh Phú Yên truy tố vào tội tham ô tài sản theo quy định tại các điểm c, d, khoản 2, Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến vụ án này còn có 11 cán bộ của Sở TN-MT Phú Yên do đã có hành vi lập chứng từ và liên quan trong việc lập khống chứng từ của các bị cáo vừa nêu. Nhưng xét vai trò trách nhiệm, mức độ vi phạm, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả của các đối tượng nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Phú Yên đề nghị xử lý hành chính.
Sau khi bị Viện KSND tỉnh truy tố, từ ngày 13 đến 17/8/2012, TAND tỉnh Phú Yên đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Ở phiên tòa này, hội đồng xét xử đã áp dụng các điểm c và d, khoản 2 và khoản 5 Điều 278 Bộ luật Hình sự; các điểm b, s và p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47; điểm i khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự, tuyên phạt nguyên Giám đốc Sở TN-MT Phú Yên Nguyễn Kim Phúc 3 năm tù về tội tham ô tài sản. Cùng tội danh tham ô tài sản, tòa còn tuyên phạt tù 9 bị cáo khác là cán bộ thuộc Sở TN-MT Phú Yên. 2 bị cáo Hà Thượng Trúc và Nguyễn Văn Mẫu, mỗi bị cáo nhận mức án 2 năm 6 tháng tù giam; các bị cáo Võ Văn Dũng, Nguyễn Thị Thanh Vy, Võ Ngọc Tuân, mỗi bị cáo lãnh 2 năm 6 tháng tù, được hưởng án treo; các bị cáo Trần Thị Na, Phan Thế Quốc, Lưu Phạm Bá Luân và Phan Thị Kim Oanh, mỗi bị cáo lãnh 2 năm tù, được hưởng án treo.
Sau phiên xử sơ thẩm, các bị cáo: Nguyễn Kim Phúc, Nguyễn Văn Mẫu và Hà Thượng Trúc kháng cáo xin giảm hình phạt và xin được hưởng án treo.
Ngày 22/11/2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử, chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phúc, Mẫu, Trúc và sửa bản án sơ thẩm. Khi sửa án sơ thẩm, hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã áp dụng điểm c, d khoản 2, khoản 5 Điều 278 Bộ luật Hình sự; các điểm b, p và s khoản 1 Điều 46 và Điều 47; điểm i, khoản 1 Điều 48; Điều 60 Bộ luật Hình sự, xử phạt Nguyễn Kim Phúc 3 năm tù cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 5 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm; Hà Thượng Trúc 2 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 4 năm 2 tháng 8 ngày tính từ ngày tuyên án; Nguyễn Văn Mẫu 2 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo, thời hạn thử thách là 5 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm…
Theo kháng nghị của Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, ngày 6/1/2014, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ra Quyết định số 02/2014/HSST, hủy các bản án của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng và của TAND tỉnh Phú Yên về phần trách nhiệm hình sự của Nguyễn Kim Phúc và 9 đồng phạm; đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Phú Yên xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
HỦY ÁN DO ÁP DỤNG CHẾ ĐỊNH ÁN TREO KHÔNG ĐÚNG
Quyết định của Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình ban hành cho thấy hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng, thuộc trường hợp được quy định tại các điểm c và d khoản 2, Điều 278 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt tù từ 7 đến 15 năm. Tuy nhiên, ở phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Phú Yên quá nhấn mạnh đến việc các bị cáo đã khắc phục hậu quả, nhân thân được tặng nhiều giấy khen, bằng khen, các bị cáo bị mắc nhiều bệnh để xử phạt dưới khung hình phạt. Trong đó, bị cáo đứng đầu vụ án chỉ phạt 3 năm tù và chỉ có 3 bị cáo bị phạt tù. Đặc biệt, cấp sơ thẩm lại cho các bị cáo: Võ Văn Dũng, Nguyễn Thị Thanh Vy, Trần Thị Na, Võ Ngọc Tuân, Phan Thị Kim Oanh, Phan Thế Quốc và Lưu Phạm Bá Luân được hưởng án treo là không đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ án và hành vi phạm tội của từng bị cáo; nhất là áp dụng không đúng quy định của pháp luật về chế định án treo, chưa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm tham ô tài sản trên địa bàn Phú Yên.
Trong khi đó, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng cũng không thấy được sai sót của cấp sơ thẩm để chấp nhận kiến nghị xem xét giám đốc thẩm, mà còn nhận định: “Số tiền các bị cáo chiếm đoạt gần 500 triệu đồng nhưng là do cộng dồn của nhiều năm (từ năm 2007 đến năm 2009 - PV) và chủ yếu nâng khống số ngày, số người đi công tác và các bị cáo không phải là đối tượng thoái hóa, ăn chơi sa đọa…” nên đã sửa án sơ thẩm cho các bị cáo Phúc, Trúc, Mẫu được hưởng án treo là không đúng với Bộ luật Hình sự về chế định áp dụng án treo, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tác dụng răn đe, phòng ngừa đối với loại tội này.
Ngoài ra, việc cấp phúc thẩm tuyên “Cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ quản ký kinh tế trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù” là không đúng pháp luật. Vì trong trường hợp này, cấp phúc thẩm cần phải tuyên “Cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ quản lý kinh tế trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật”. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Hình sự về cấm đảm nhiệm chức vụ thì thời hạn cấm là từ 1 đến 5 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Theo nguồn tin riêng của Báo Phú Yên, dự kiến cuối tháng 4 này, phiên tòa sẽ được mở lại để xét xử vụ án này. Báo Phú Yên sẽ cập nhật thông tin đến bạn đọc.
VĂN TÀI
Theo luật sư Nguyễn Hương Quê (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên), tội tham ô tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 278 Bộ luật Hình sự là những tội phạm có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm, cụ thể:
a) Có tổ chức.
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm.
c) Phạm tội nhiều lần.
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
Tuy nhiên, khi quy định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 2 Điều 278, Tòa án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật Hình sự. Nếu người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới 7 năm tù) nhưng không được dưới 2 năm tù vì theo quy định tại Điều 47 thì khi có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, tòa án có thể quy định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật này.
V.TÀI (ghi)