Trong khi dư luận Phú Yên vẫn chưa hết bàng hoàng, xôn xao về vụ một thiếu niên chưa đủ 12 tuổi (ở phường 2, TP Tuy Hòa) mang dao vào siêu thị kẹp cổ, đâm thủng tim một học sinh lớp 10 (Trường THPT Trần Phú, huyện Tuy An) chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, thì 2 ngày sau đó, dư luận càng phẫn nộ hơn khi một nhóm học sinh THPT coi thường pháp luật, ngang nhiên cầm dao xông vào Trường THCS Lương Thế Vinh (phường 7, TP Tuy Hòa) trong giờ học, đâm trọng thương em Trần Đình Thông, học sinh lớp 9A trường này. Điều này cho thấy, tội phạm ngày càng trẻ hóa và manh động hơn.
Trước thực trạng tội phạm trẻ hóa có chiều hướng gia tăng và đang ở mức báo động, nhiều cấp, ngành, chính quyền, đoàn thể và lực lượng chức năng đã vào cuộc tìm hiểu, xử lý kiên quyết những đối tượng vi phạm nhưng tình hình vẫn không giảm. Vậy lỗi này ai chịu? Nhiều người cho rằng: Lỗi này có phần do người lớn gây ra. Vì ở góc độ gia đình, do các bậc làm cha, làm mẹ thiếu gương mẫu trong lối sống, nuông chiều con cái quá mức. Có thể do họ quá lo mưu sinh nên không quan tâm và không biết con mình học hành, suy nghĩ hàng ngày như thế nào. Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng mỗi con người, nhưng chính gia đình cũng dễ làm cho những đứa trẻ sa vào con đường sai trái nếu cha mẹ thiếu quan tâm.
Trong khi đó, nhà trường cũng lơi lỏng trong việc quản lý, giáo dục học sinh. Hàng ngày đến trường, các em được tiếp xúc, vui chơi, học tập cùng bạn bè. Cùng ở lứa tuổi vị thành niên nhưng mỗi trẻ sẽ có tính cách, nhận thức khác nhau, dễ xảy ra tranh chấp, xô xát. Việc phân xử không đúng hoặc không được khéo léo, những tranh chấp nhỏ từ lớp học của một số thầy cô đã khiến các em không phục, bức xúc, dẫn đến nhận thức lệch lạc và có những hành vi sai trái. Như vậy, không chỉ gia đình mà nhà trường cũng có phần trách nhiệm to lớn trước những hành vi bạo lực của trẻ vị thành niên.
Bên cạnh đó, ngoài xã hội, hành vi của một số người lớn chưa thể hiện là tấm gương sáng cho các em noi theo. Trên mạng internet đầy rẫy phim ảnh bạo lực, đồi trụy, nhiều thứ “văn hóa” không phù hợp... Chính những điều đó đã tác động không tốt đến sự phát triển nhân cách của trẻ vị thành niên, dẫn đến sự lộng hành của nhiều đối tượng, băng nhóm phạm tội có xu hướng trẻ hóa trong thời gian qua.
Để phòng ngừa tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên, hơn ai hết các bậc cha mẹ phải gần gũi, quan tâm chăm sóc, chia sẻ tâm tư tình cảm của con em mình, uốn nắn kịp thời những suy nghĩ và hành vi lệch lạc của trẻ, giúp trẻ tự tin vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời phải gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục, định hướng cho trẻ có nhận thức đúng, có hành vi phù hợp. Các cơ quan chức năng cần phối hợp với nhà trường và gia đình tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục trẻ từ khi các em còn là học sinh ở bậc tiểu học, định hướng cho các em đến những giá trị tốt đẹp.
Đối với những trẻ em bỏ học vào đời sớm, chính quyền địa phương các cấp cùng các ban, ngành, đoàn thể cần tạo điều kiện cho các em có điều kiện học tập, có công ăn việc làm phù hợp; giáo dục để hướng các em vào những việc làm có ích cho xã hội và có ích cho chính bản thân các em sau này. Khi trẻ em lang thang được học hành hoặc có việc làm phù hợp thì nhân cách được hướng thiện, ắt hẳn lúc ấy tội phạm ở tuổi vị thành niên sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi.
VĂN TÀI