Thứ Sáu, 04/10/2024 22:32 CH
Việc lập hội, nhóm trên các trang mạng:
Vấn đề đáng quan tâm
Thứ Tư, 12/03/2014 09:49 SA

Thời gian qua, ở Phú Yên, trên các trang mạng xã hội thường xuyên xuất hiện các hội, nhóm với thành phần chủ yếu là thanh thiếu niên (TTN), học sinh, sinh viên (HSSV). Các thành viên thường sử dụng mạng xã hội (Yahoo, Facebook và các diễn đàn, website do nhóm tự lập trên mạng internet) và điện thoại di động để liên lạc, trao đổi hoạt động; đăng tải thông tin, hình ảnh hoạt động của nhóm để quảng bá và tuyên truyền thu hút nhiều người tham gia không theo quy định của pháp luật.

 

Facebook140312.jpg

Mạng xã hội và điện thoại giúp kết nối các thành viên các hội nhóm.

Mỗi nhóm có nhóm trưởng, nhóm phó, thư ký và các thành viên tham gia; có tôn chỉ, mục đích, điều lệ, nội quy, quy chế, kinh phí hoạt động... Mục đích thành lập của các hội, nhóm chủ yếu là tham gia các hoạt động tình nguyện xã hội, thỏa mãn nhu cầu giao lưu, kết bạn, dã ngoại, vui chơi, trao đổi kinh nghiệm của giới trẻ. Tuy nhiên, có nhóm thành lập để thuận tiện cho việc quảng cáo, kinh doanh thu hút khách hàng; có hội, nhóm thành lập ban đầu nhằm giao lưu, kết bạn, giải trí nhưng do sự tò mò, hiếu kỳ và nhận thức lệch lạc nên các thành viên trong nhóm đã sử dụng Facebook cá nhân của các thành viên trong nhóm để đăng tải tin bài, hình ảnh có nội dung châm biếm, chế giễu, hăm dọa lẫn nhau, gây tâm lý lo sợ, ảnh hưởng xấu đến việc học tập, công tác.

 

Có thể thấy nhu cầu liên kết bạn bè, tập hợp những người cùng sở thích, cùng thực hiện mục tiêu lý tưởng là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, mọi tổ chức, công dân Việt Nam dù làm bất cứ việc gì cũng phải chấp hành nghiêm Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng pháp luật và sự quản lý của Nhà nước.

 

Theo Điều 8 Hiến pháp sửa đổi năm 2013 “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật,…”. Về quyền con người, Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác” (khoản 2 Điều 21) và “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội,... Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Như vậy, việc lập hội trong mọi trường hợp đều phải tuân thủ quy định của pháp luật mà cụ thể là Nghị định số 45/CP ngày 21/4/2010, Nghị định số 33/CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ, Thông tư số 03 ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định 45/CP và Nghị định 33/CP.

 

Qua tìm hiểu của các nhà chuyên môn, hầu hết các thành viên tham gia các hội nhóm trên đa phần là HSSV. Các em hầu như không hề biết việc mình tham gia lập hội, nhóm như thế là trái quy định pháp luật. Trong suy nghĩ của các em, tham gia hội, nhóm là để làm nhiều việc tốt, có ích cho xã hội, không lý nào lại vi phạm. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa thường xuyên và tập trung. Một số ban ngành, đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên tuy có nhiều chương trình hoạt động nhưng chưa thực sự thu hút đông đảo đoàn viên vào các sân chơi. Dưới góc độ pháp luật, việc lập hội, nhóm hoạt động trong bất kỳ trường hợp nào khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là trái quy định pháp luật. Xét về chính trị, việc lập hội, nhóm thoát ly sự quản lý của Nhà nước là một trong những điều kiện để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng phá hoại tư tưởng.

 

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy việc lập hội, nhóm trên các trang mạng xã hội trong giới TTN, HSSV tuy là nhu cầu chính đáng nhưng cần phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Thực trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến nguyên nhân là do thiếu nhận thức đúng về pháp luật của một bộ phận TTN. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho TTN ở một số nơi chưa thực sự có hiệu quả.

 

Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật liên quan đến việc lập hội nói riêng đạt hiệu quả thiết thực, cấp ủy, thủ trưởng, các cơ quan, ban ngành và địa phương cần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho TTN, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Xác định thanh niên luôn là lực lượng chiến lược của quốc gia, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm giáo dục toàn diện cho thanh niên, nâng cao tri thức, trình độ văn hóa cho thanh niên. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục khẳng định “Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam có ý thức chấp hành pháp luật…”.

 

Đoàn Thanh niên là lực lượng chủ chốt quy tụ lực lượng thanh niên, cần duy trì các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên thường xuyên, thực chất, dưới nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Việc quyên góp tiền, tổ chức các chương trình từ thiện, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, nhiễm chất độc da cam/ dioxin, người già neo đơn không nơi nương tựa, các chương trình tình nguyện vì môi trường,… là những hoạt động thiết thực, Đoàn Thanh niên hoàn toàn có thể đứng ra tổ chức. Đoàn cần tạo sân chơi bổ ích cho đoàn viên như thành lập các câu lạc bộ trong đoàn viên. Đối với TTN, HSSV cần tập trung cho việc học, không nên chạy theo phong trào tham gia hội, nhóm tự phát mà lãng quên nhiệm vụ chính yếu của mình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai.

 

Thiếu tá, Th.S NGUYỄN KHỎE

Phó trưởng phòng Bảo vệ chính trị - Công an Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek