Từ ngày 1/1/2014, Luật Hòa giải ở cơ sở bắt đầu có hiệu lực. Vấn đề triển khai thực hiện luật này trong thực tiễn cuộc sống đã trở thành mối quan tâm không chỉ của những người làm công tác hòa giải ở cơ sở mà còn đối với mọi người dân.
Luật Hòa giải ở cơ sở gồm có 5 chương và 33 điều, quy định rõ phạm vi hòa giải ở cơ sở, tiêu chuẩn cụ thể của hòa giải viên, tổ hòa giải… với mục đích là tăng tỉ lệ hòa giải thành để giữ gìn tình làng, nghĩa xóm. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng mà luật hướng tới, là biện pháp góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, xây dựng mọi người dân có ý thức cộng đồng, có lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, tôn trọng pháp luật, quan hệ hài hòa trong gia đình và xã hội.
Theo thống kê của Sở Tư pháp Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 672 tổ hòa giải với 4.442 hòa giải viên. Trong năm 2013, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 1.963 vụ việc. Trong đó, hòa giải thành 1.425 vụ việc, đạt tỉ lệ 72,6%, hòa giải không thành 354 vụ việc, chiếm tỉ lệ 18,1% và số vụ việc đang hòa giải 184 vụ, chiếm tỉ lệ 9,3%.
Với tính chất là một cơ chế giải quyết tranh chấp tự nguyện và tự quản của người dân, hoạt động hòa giải ở cơ sở theo Luật Hòa giải ở cơ sở sẽ tiếp tục đáp ứng được yêu cầu đề cao yếu tố được coi trọng hàng đầu trong đời sống của các quan hệ cộng đồng dân cư là sự hài hòa, đoàn kết và ổn định của các quan hệ chứ không phải là sự “thắng, thua”, “đúng, sai” về mặt lý lẽ giữa những va chạm, xích mích vốn nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, đến nay, Luật Hòa giải ở cơ sở vẫn chưa đến được với mọi người dân và vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, từ thực tiễn triển khai hoạt động hòa giải ở cơ sở lâu nay, một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và gây trở ngại cho hoạt động này là kinh phí, nhất là việc trả thù lao cho các hòa giải viên.
Theo một số công chức làm công tác tư pháp, hộ tịch ở cấp cơ sở, kinh phí để chi công tác hòa giải lâu nay hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách của địa phương và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền. Song song đó, việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT- Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp ở nhiều nơi còn chậm, lúng túng hoặc không thực hiện được nên kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở vẫn hạn chế. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ từ chính quyền cho hoạt động hòa giải ở cơ sở chủ yếu được sử dụng chung cho sinh hoạt của tổ hòa giải. Sau đó tiếp tục chi cho các hoạt động tập huấn, đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu kiến thức cho hòa giải viên... chứ không phải hoàn toàn dùng một phần kinh phí để trả thù lao cho các hòa giải viên…
Nhiều người làm công tác quản lý hay trực tiếp làm hòa giải ở cơ sở nhận định, dù luật quy định trách nhiệm của các hòa giải viên là dựa vào sự tự nguyện, nhiệt tình cá nhân của họ, nhưng việc hỗ trợ và động viên về vật chất, ở mức độ nhất định, để duy trì sự nhiệt tình đó cũng rất cần được quan tâm. Do đó, Điều 9, Chương II Luật Hòa giải ở cơ sở quy định một trong những quyền của hòa giải viên là được hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải. Đây chính là yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở và là yếu tố thúc đẩy Luật Hòa giải ở cơ sở thực sự được triển khai có hiệu quả trong đời sống hằng ngày.
VĂN TÀI