Thứ Ba, 26/11/2024 08:35 SA
Xuân Lãnh (Đồng Xuân):
Khi pháp luật thay thế “lệ làng”
Thứ Sáu, 30/03/2007 21:55 CH

Xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) có  8 thôn, trong đó có 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số là Xí Thoại,  Hà Rai, Soi Nga và Da Dù.

 

070329-nha-VH.jpg

Nhà sinh hoạt văn hóa thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh – nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng và phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số – Ảnh: X.HIẾU

 

Là một xã miền núi, xuất phát điểm kinh tế thấp nên đi đôi với đời sống  của nhân dân gặp nhiều khó  khăn, tại các thôn còn tồn tại “lệ làng”, tập tục lạc hậu. Phổ biến nhất là hủ tục “bóp trứng gà”. Theo ông Lê Văn Hùng, dân tộc Chăm H’Roi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh, Bí thư chi bộ thôn Xí Thoại, trước đây, hủ tục này vẫn còn khá phổ biến trong đời sống của người dân. Bò, heo bị bệnh chết, bà con không tìm đến bác sĩ, cán bộ thú y để chữa trị mà rước thầy cúng về,”bóp trứng gà” xem có phải do Giàng (trời) quở phạt(?) Nếu trứng vỡ (tức là bị Giàng phạt) cả làng phải giết bò, heo lành lặn để cúng, xin Giàng cho qua. Hoặc nếu trong làng có nhà nào bị mất trộm, thay vì báo công an tiến hành điều tra làm rõ, dân làng cũng lấy việc “bóp trứng gà” để xác định. Nếu người ngay thẳng, không ăn trộm, trứng sẽ không vỡ, ngược lại thì người đó chính là thủ phạm, phải chịu phạt! Ngoài bồi thường tài sản bị mất, “kẻ trộm” còn phải giết bò, heo làm cỗ đãi cả làng.  Với hủ tục “bóp trứng gà”, thầy cúng mà “chiếu” vào ai là người đó sẽ thành nạn nhân. Trên thực tế, nhiều trường hợp bị oan, dân làng khinh rẻ, xa lánh mà suốt  đời không có dịp giải oan.

 

Hay như hủ tục “thay thế” trong hôn nhân, người đàn ông nào lập gia đình  mà chẳng may chết trước vợ thì em trai phải thay thế, nếu không có em trai thì cháu trai thay thế. Vì vậy, có nhiều cặp vợ  chồng như đôi đũa so le, vợ già, chồng trẻ trông chẳng giống ai!

 

Từ khi thực hiện cuộc vận  động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các hủ tục và những cách  hành xử  theo “lệ làng” đã dần  bị xóa bỏ. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh Lê Văn Hùng cho biết, để  thay  “lệ làng”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của  các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận xã, trưởng thôn, buôn thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động, phổ biến pháp luật đến tận người dân thông qua sinh hoạt cộng đồng, qua lao động sản xuất, đến từng nhà… Đối tượng đầu tiên mà xã nhắm đến là các già làng, những người có uy tín trong thôn, buôn. “Già làng mà thông suốt đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách của Nhà nước thì dân làng sẽ thông suốt. Để xóa bỏ một hủ tục, thay vào đó cái mới, phù hợp, văn minh là điều không đơn giản. Nhưng nếu già làng đồng ý bỏ thì dân làng sẽ nghe theo. Phải mất một thời gian rất dài, kiên trì đưa pháp luật vào cuộc sống một cách bền bỉ, thường xuyên chúng tôi mới thành công” -  Ông Lê Văn Hùng cho biết. Đến nay, xã có 1.377 hộ được tỉnh, huyện công nhận “Gia đình văn hóa”, chiếm tỷ lệ 71,3%. Ngoài hai thôn Xí Thoại và Hà Rai, mới đây thôn Lãnh Tú cũng được công nhận “Thôn văn hóa”. 8/8 thôn trong xã  đều đăng ký xây dựng “Thôn văn hóa”, trong đó, Xí Thoại và Hà  Rai là những thôn đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận “Thôn văn hóa” đầu tiên, điển hình của huyện, tỉnh và nhiều năm liền giữ vững danh hiệu. Ở  các thôn này, việc cưới việc tang không kéo dài nhiều ngày, giết  mổ nhiều heo, bò ăn uống linh đình như trước mà được tổ chức gọn nhẹ, đơn giản. Nam nữ muốn  cưới nhau đều đến trụ sở UBND xã làm giấy đăng ký kết hôn. Anh La Ma Cư, một thanh niên của  làng Xí Thoại mới lập gia đình cách đây không lâu thổ lộ: “ Hai đứa thương nhau, muốn sống với nhau suốt đời cần phải được chính quyền chứng thực, bảo vệ chớ. Mình làm giấy xin đăng ký kết hôn vừa thực hiện quy định “một vợ, một chồng” của pháp luật, vừa là cơ sở để  được cấp đất, nhận sổ đỏ của Nhà nước, sau này con cái còn học hành  nữa”.

 

Cùng với thực hiện “sống là làm việc theo pháp luật”, Xuân Lãnh cũng đồng thời khôi phục lại  các lễ hội truyền thống của bà con dân tộc thiểu số, như lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới… Chính các lễ hội này đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần, góp phần đẩy lùi các tập tục lạc hậu, đưa pháp luật của Nhà nước ngày càng đến gần hơn trong đời sống của người dân.

 

LAN VY

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ra đường sợ nhất... mô tô
Thứ Năm, 29/03/2007 13:30 CH
Cái giá của lòng tham
Thứ Năm, 29/03/2007 07:30 SA
263 trường hợp vi phạm an toàn giao thông
Thứ Tư, 28/03/2007 08:09 SA
Đánh chết bạn nhậu
Thứ Tư, 28/03/2007 08:09 SA
Đập phá tài sản, bị phạt 12 tháng tù
Thứ Hai, 26/03/2007 13:38 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek