Do nghề nghiệp, tôi thường có dịp dự khán các phiên xét xử và không ít lần chứng kiến các vụ lộn xộn, gây mất trật tự chốn pháp đình. Còn có chuyện “quậy” ở nơi xử án mới thấy công cuộc cải cách tư pháp mà trọng tâm là tòa án vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Có thể nói rằng, để xảy ra những chuyện khóc dở mếu dở đó, trách nhiệm có phần thuộc về thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Bởi lẽ thẩm phán chủ tọa phiên tòa không chỉ phải làm tốt công tác xét xử, mà còn phải bao quát toàn bộ diễn biến xảy ra trong phòng xử án. Luật đã quy định khi phiên tòa được mở, người có thẩm quyền cao nhất trong phòng xét xử là thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
Thực tế cho thấy vị thẩm phán nào “có uy, có oai”, kịp thời phát hiện chấn chỉnh ngay những biểu hiện sai phạm, lệch lạc từ các đương sự đến các cán bộ, vị đó sẽ duy trì được trật tự phiên tòa và ngược lại. Dĩ nhiên không phải mọi chuyện mất trật tự ở phòng xét xử đều thuộc về thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Phòng xử thiếu thiết bị âm thanh, ánh sáng hay không có tối thiểu một nhân viên bảo vệ trật tự (thường xảy ra ở các phiên tòa dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại)… những chuyện như vậy thẩm phán không lo được.
Mở rộng ra, để mọi người ngay khi bước vào chốn pháp đình đã cảm thấy một không khí tôn nghiêm thì trụ sở tòa án và nội thất các phòng xét xử phải được xây dựng, bố trí ấn tượng khiến những ai muốn “quậy” cũng thấy lạc lõng không thể “quậy” được. Chi phí xây dựng trụ sở, lắp đặt thiết bị trong phòng xét xử, tăng cường đội ngũ nhân viên bảo vệ, trật tự, rộng hơn nữa là tăng lương và cấp tiền “dưỡng liêm” cho các thẩm phán, bảo vệ họ không chỉ trong mà cả ngoài phiên tòa, những việc này ngành tòa án không thể tự quyết định được. Đây là những việc khó, bởi các tòa án đang thiếu cả nhân sự và tài chính. Thẩm phán “vừa thiếu, vừa yếu”, tuyển dụng thư ký chưa đủ, chế độ chính sách đối với cán bộ tòa án chưa thu hút được người có trình độ, năng lực vào ngành là câu nói cửa miệng tại các hội nghị tổng kết của ngành TAND được nhắc đi nhắc lại năm này qua năm khác!
Điều đáng nói, hiện nay, việc thiếu hụt trầm trọng nguồn cử nhân luật để tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp ở Phú Yên rất đáng báo động. Đơn vị nào cũng thiếu, nhưng bao năm qua vẫn không có người để tuyển. Do đó, làm thế nào để có nguồn cử nhân luật cung cấp cán bộ cho các cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp ở Phú Yên là việc cần phải làm rốt ráo hơn.
LỆ VĂN