Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt.
Ảnh minh họa |
Cũng theo dự thảo, quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn cá nhân vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của Nhà nước và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt, thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt.
Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe
Về việc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, theo dự thảo, thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ theo quy định là 1 tháng, 2 tháng, 4 tháng và 24 tháng.
Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, người vi phạm không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Trường hợp người có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe theo quy định tại Nghị định số 171, mà người đó có giấy phép lái xe hạng thấp hơn so với loại xe đang điều khiển, thì vẫn ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đó; đồng thời, xem xét bổ sung xử phạt về hành vi có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển.
Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dường kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ thì người có thẩm quyền xử phạt có văn bản thông báo cho cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Tạm giữ phương tiện
Theo dự thảo, việc tạm giữ phương tiện được thực hiện theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, chỉ tạm giữ phương tiện trong trường hợp thật cần thiết để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt; để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra cho xã hội hoặc để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Việc tạm giữ phương tiện phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.
Thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ.
Đặc biệt, dự thảo của Bộ Công an cũng nêu rõ chiến sĩ Công an nhân dân đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân thì không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Theo chinhphu.vn