TAND tỉnh vừa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 7 bị cáo 27 năm 6 tháng tù về tội “Lưu hành tiền giả”. Vụ án này là một bài học thích đáng dành cho những người lười lao động và muốn thu lợi một cách bất chính.
Các bị cáo tại phiên xử ngày 22/1 - Ảnh: V.TÀI
Danh sách các bị cáo lãnh án 1. Nguyễn Thế Quân: 8 năm tù 2. Trần Lê Tín Phát: 5 năm 6 tháng tù 3. Nguyễn Văn Châu: 3 năm tù 4. Nguyễn Hữu Tính: 3 năm tù 5. Nguyễn Văn Thúy: 2 năm 6 tháng tù 6. Nguyễn Thị Thủy: 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo 7. Nguyễn Thị Lệ Hiền: 2 năm 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo (Nguồn: TAND tỉnh Phú Yên) |
Theo hồ sơ vụ án, trong tháng 1/2013, Nguyễn Văn Hòa dẫn Nguyễn Thế Quân (SN 1982, trú xã Sơn Giang, Sông Hinh) đến nhà Nguyễn Văn Pha (SN 1954, trú xã Sơn Thành Tây, Tây Hòa) chơi. Tại đây, sau khi làm quen, Pha rủ Hòa và Quân đi Trung Quốc dùng tiền Việt Nam (viết tắt là VNĐ) đổi lấy tiền VNĐ giả đem về Phú Yên tiêu thụ kiếm lời. Hòa không đồng ý tham gia việc đi buôn và lưu hành tiền giả nhưng Quân nhận lời đề nghị của Pha. Đến khoảng đầu tháng 6/2013, Quân rủ thêm Trần Lê Tín Phát (SN 1994) và Nguyễn Hữu Tính (SN 1985) cùng trú xã Sơn Hà, Sơn Hòa đi buôn tiền giả để kiếm lời. Cả 2 nhận lời nên cùng bàn bạc và thống nhất là Pha sang Trung Quốc đổi lấy VNĐ giả về đổi lại cho Quân và Phát đưa đi tiêu thụ. Cụ thể, Pha sẽ đổi lại cho Quân và Phát theo tỉ lệ 1 triệu VNĐ thật đổi lấy 2 triệu VNĐ giả. Cách thức tiêu thụ của bọn chúng là dùng tiền giả đi mua hàng hóa có giá trị nhỏ để được đổi lại tiền thật.
Sau đó, đầu tháng 7/2013, Nguyễn Văn Pha qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) để sang Trung Quốc đổi tiền giả. Tại đây, Pha dùng 15 triệu VNĐ thật đổi lấy 46 triệu VNĐ giả, loại có mệnh giá 100.000 đồng và 200.000 đồng. Sau đó, Pha đi ô tô khách về đến ĐT645 (thuộc xã Hòa Thành, Đông Hòa) và thông báo cho Quân và Phát đến nhà Pha để đổi tiền. Trong đó, Quân đến nhà Pha 3 lần để đổi lấy 24 triệu VNĐ giả; Phát đến 4 lần đổi lấy 22 triệu VNĐ giả đem đi tiêu thụ được 17,6 triệu VNĐ giả và đổi lại cho Tính 4 lần với 4,4 triệu VNĐ giả để Tính đem đi tiêu thụ hưởng chênh lệch.
Ham lời và thấy việc kiếm tiền dễ dàng, cuối tháng 7/2013, Pha thông báo cho Quân và tiếp tục sang Trung Quốc đổi tiền giả. Trước khi đi, Quân đưa trước cho Pha 3 triệu VNĐ thật, Phát đưa 1,5 triệu VNĐ thật để Pha mang sang đổi tiền giả. Lần đi này, Pha dùng 7 triệu VNĐ thật đổi lấy 20 triệu VNĐ giả, loại có mệnh giá 100.000 đồng và 200.000 đồng. Sau đó về Pha đổi lại cho Quân và Phát mỗi người 10 triệu VNĐ giả đem đi tiêu thụ. Riêng Phát tiếp tục đổi lại cho Tính 3 triệu VNĐ giả.
Đến đầu tháng 8/2013, Quân đến nhà vợ chồng Nguyễn Thị Lệ Hiền (SN 1977) và Nguyễn Văn Thúy (SN 1976) ở xã Sơn Hà (Hiền là chị ruột của Quân); nhà vợ chồng Nguyễn Văn Châu (SN 1979) và Nguyễn Thị Thủy (SN 1979) ở xã Sơn Hà (Thủy là em ruột của Thúy) chơi và nói cho họ biết Quân đang tiêu thụ tiền giả kiếm lời. Đồng thời, Quân cũng nói rõ cách thức tiêu thụ, tỉ lệ đổi tiền và đưa cho Hiền và Châu xem một số tiền giả. Do lười lao động và thấy kiếm tiền dễ dàng nên vợ chồng Hiền và Châu xin tham gia vào đường dây lưu hành tiền giả này. Ngày 20/8/2013, Pha gặp và “bắn tin” cho Quân biết là 2 ngày nữa sẽ sang Trung Quốc đổi tiền nên Quân hẹn gặp Pha để đưa tiền thật đi đổi. Trước khi đi, Quân có điện thoại cho vợ chồng Hiền và Châu để chuẩn bị tiền. Sau đó, vợ chồng Hiền đưa cho Quân 4 triệu VNĐ thật, vợ chồng Châu đưa 5 triệu VNĐ thật. Có tiền, 9 giờ ngày 22/8/2013, Quân hẹn gặp Pha ở quán cà phê thuộc xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa) và đưa cho Pha 10 triệu VNĐ thật.
Cầm 10 triệu của Quân và vợ chồng Hiền, Châu, Pha bỏ thêm 21 triệu VNĐ thật mang sang Trung Quốc đổi lấy 103,8 triệu đồng VNĐ giả. Sau đó, Pha đón xe khách đem về Phú Yên tiêu thụ hưởng chênh lệch.
SA LƯỚI PHÁP LUẬT
Hành vi lưu hành tiền giả của các đối tượng vừa nêu không qua mặt được các cơ quan chức năng. Ngay từ tháng 5/2013, các trinh sát nắm được nguồn tin do một số người bán vé xổ số kiến thiết phản ánh đã thu phải một số tiền giả loại mệnh giá 100.000 đồng và 200.000 đồng. Thông tin này nhanh chóng được báo cáo cho lãnh đạo Công an huyện Tây Hòa. Xác định tính chất nghiêm trọng của sự việc, nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn thì việc lưu hành tiền giả sẽ làm thiệt hại cho nhiều người dân, gây ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, Công an huyện Tây Hòa nhanh chóng lập chuyên án đấu tranh.
Từ những tài liệu trinh sát thu thập được, Ban chuyên án nhận định rất có thể Nguyễn Văn Pha đi ra Bắc lần này là để mua tiền giả mang về Phú Yên tiêu thụ. Do đó, thời điểm phá án cũng được tính toán. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã nắm được lịch trình của Pha, trong ngày 29/8/2013 Pha sẽ về đến Phú Yên.
Kế hoạch bắt Nguyễn Văn Pha được vạch ra một cách kỹ lưỡng. 5 tổ trinh sát được bố trí dọc tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 29 theo lộ trình mà Pha sẽ về nhà. Đúng như thông tin trinh sát, Pha đi trên xe khách Bắc Giang và xuống xe tại ngã tư tuyến tránh quốc lộ 1 với ĐT645. Sau đó, Pha đón xe buýt về nhà. Khi Pha vừa bước xuống xe buýt ở khu vực Công ty cổ phần Vinacafe Sơn Thành thì các trinh sát và điều tra viên Công an huyện Tây Hòa bất ngờ ập đến làm hắn không kịp trở tay.
Cùng lúc này, Nguyễn Thế Quân trên đường ra đón Nguyễn Văn Pha cũng bị một mũi trinh sát khác đón lõng đưa về trụ sở Công an huyện làm việc. Sau đó, vụ án được chuyển cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên thụ lý theo thẩm quyền. Qua đấu tranh khai thác, đường dây lưu hành tiền giả, tổng cộng hơn 170 triệu VNĐ giả do Nguyễn Văn Pha cầm đầu đã được bóc gỡ, các bị can lần lượt sa lưới pháp luật. Đây cũng là vụ tiêu thụ tiền giả lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện ở Phú Yên.
Ngày 25/11/2013, Viện KSND tỉnh Phú Yên đã ra cáo trạng số 23 truy tố đối với Nguyễn Văn Pha, Nguyễn Thế Quân, Trần Lê Tín Phát, Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Thị Lệ Hiền, Nguyễn Văn Thúy, Nguyễn Văn Châu và Nguyễn Thị Thủy về tội “Lưu hành tiền giả” được quy định tại Điều 180, Bộ luật Hình sự. Nguyễn Văn Hòa biết việc Nguyễn Văn Pha rủ Nguyễn Thế Quân thực hiện hành vi lưu hành tiền giả để kiếm lời nhưng không tố giác. Tuy nhiên, xét tại thời điểm Hòa biết việc chuẩn bị phạm tội của Pha và Quân chưa được thể hiện cụ thể nên Hòa không bị xử lý hình sự, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh xử lý hành chính…
Trong quá trình chờ TAND tỉnh Phú Yên đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, vào lúc 23 giờ ngày 3/1/2014, Trực ban Cảnh sát bảo vệ Trại tạm giam Công an nghe tiếng kêu của một số phạm nhân đang tạm giam ở buồng số 3A nên khẩn trương kiểm tra và phát hiện can phạm Nguyễn Văn Pha có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe. Sau khi nhân viên y tế sơ cứu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên để cấp cứu nhưng đã tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi đã xác định nguyên nhân Nguyễn Văn Pha tử vong là do bệnh lý nhồi máu cơ tim, xuất huyết não. Sau đó, thi thể của Nguyễn Văn Pha được chính quyền địa phương và gia đình tổ chức mai táng.
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ
Ngày 22/1/2014 vừa qua, TAND tỉnh Phú Yên đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.Tại phiên xử, do Nguyễn Văn Pha đã bị đột tử vì bệnh lý nên hội đồng xét xử đã ra quyết định đình chỉ đối với can phạm Nguyễn Văn Pha. Các đồng phạm trong vụ này gồm có các bị cáo: Nguyễn Thế Quân, Trần Lê Tín Phát, Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Thị Lệ Hiền, Nguyễn Văn Thúy, Nguyễn Văn Châu và Nguyễn Thị Thủy đã phải đứng trước vành móng ngựa về tội “Lưu hành tiền giả”
Tại phiên xử sơ thẩm, sau khi xem xét toàn bộ chứng cứ, tài liệu cũng như lời khai nhận của các bị cáo và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan, hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh nhận định: “Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi của bị cáo tiêu thụ tiền giả nhằm thu lợi bất chính là nguy hiểm cho xã hội, việc lưu hành tiền giả không chỉ gây thiệt hại cho nhiều người dân, mà còn ảnh hưởng đến an ninh kinh tế. Vì vậy, tội phạm do các bị cáo thực hiện là rất nghiêm trọng, đã xâm phạm quyền quản lý tài chính của Nhà nước về tiền tệ, gây rối loạn an ninh tiền tệ. Do đó, cần phải có bản án nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung”.
Kết thúc phiên xử, tòa tuyên phạt 7 bị cáo tổng cộng 27 năm 6 tháng tù về tội lưu hành tiền giả. Trong đó, lãnh án nặng nhất là Nguyễn Thế Quân, lãnh 8 năm tù; thấp nhất là Nguyễn Thị Lệ Hiền lãnh 2 năm 6 tháng tù nhưng được hưởng án treo.
Vụ án là một bài học thích đáng dành cho những người lười lao động và muốn thu lợi bất chính mà không từ bất cứ thủ đoạn nào, khiến chị em, vợ chồng phải vào tù, trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình…
VĂN TÀI