Kể từ 1/1/2014, các hành vi vi phạm về quản lý thực hiện chương trình, dự án ODA như không tổ chức giám sát, đánh giá quá trình thực hiện; thực hiện dự án chậm so với tiến độ; triển khai dự án không đúng các nội dung trong quyết định đầu tư… đều bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số155/2013/NĐ-CP.
Các dự án ODA chậm tiến độ quy định nếu không vì lý do khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng thì sẽ bị phạt tiền - Ảnh minh họa |
Theo Nghị định 155/2013/NĐ-CP, những vi phạm về quản lý thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) như không tổ chức giám sát, đánh giá quá trình thực hiện chương trình, dự án ODA theo quy định, hay thực hiện dự án chậm so với tiến độ quy định nếu không vì lý do khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng, có thể bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng.
Mức phạt tiền sẽ là 20 đến 30 triệu đồng đối với vi phạm trong việc triển khai dự án không đúng các nội dung trong quyết định đầu tư.
Hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai lệch cho các bên hợp đồng, tư vấn lập và thực hiện chương trình, dự án ODA sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.
Hành vi không tuân thủ chế độ báo cáo kết quả thực hiện chương trình, dự án ODA gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định cũng bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.
Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung một số hành vi vi phạm quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và PPP; vi phạm quy định về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Mức phạt tối đa là 80 triệu đồng
Về cơ bản, mức phạt tiền tại Nghị định 155/2013/NĐ-CP có sự điều chỉnh tăng so với trước đây, mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh là 35 triệu đồng; trong lĩnh vực đấu thầu và đầu tư là 80 triệu đồng (các mức phạt này áp dụng đối với tổ chức). Các mức phạt đưa ra đối với từng hành vi vi phạm đã có sự cân nhắc sao cho vừa mang tính răn đe, phòng ngừa vừa đảm bảo tính khả thi.
Chẳng hạn, cùng một hành vi “không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư theo quy định”, nếu trước đây Nghị định 53/2007/NĐ-CP chỉ áp dụng mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 đến 200 nghìn đồng, thì tại Nghị định 155/2013/NĐ-CP mức phạt tăng cao gấp nhiều lần, từ 5 đến 10 triệu đồng.
Tương tự, một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý đấu thầu và đầu tư cũng đã được nghiên cứu nâng mức xử phạt.
Nếu trước đây các hành vi “chuyển đổi dự án đầu tư không đúng quy định; chuyển nhượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài không đúng quy định; chuyển nhượng dự án đầu tư không đúng quy định; không đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện phải đăng ký điều chỉnh...” được quy định trong cùng 1 điều và áp dụng mức phạt ngang nhau (từ 10 đến 15 triệu đồng), thì Nghị định 155/2013/NĐ-CP đã được điều chỉnh theo hướng phân bổ các hành vi này vào nhiều khoản và áp dụng các mức phạt khác nhau tùy thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Nghị định cũng đã bổ sung các hành vi “Triển khai dự án khi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư” và “Không triển khai dự án đầu tư sau 12 tháng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”.
Riêng đối với hành vi “Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi không đáp ứng những điều kiện cam kết để được hưởng ưu đài đầu tư”, Nghị định bổ sung về trường hợp kê khai để hưởng ưu đãi đầu tư nếu có vi phạm về thuế thì áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế để xử phạt nhằm tránh chồng chéo với các quy định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan quan lý nhà nước về thuế.
Thêm chế tài xử phạt vi phạm trong đấu thầu
Nghị định 155/2013/NĐ-CP đã bổ sung một số hành vi vi phạm về kế hoạch đấu thầu, đó là: Hành vi lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu không đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định; phê duyệt phương thức đấu thầu, thời gian thực hiện hợp đồng không phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu; phê duyệt thời gian thực hiện hợp đồng không phù hợp với trình tự thực hiện và tiến độ dự án; phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định.
Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đúng theo tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu cũng là hành vi nằm trong quy định bị xử phạt.
Đồng thời, Nghị định 155/2013/NĐ-CP cũng loại bỏ một số hành vi được đánh giá là không còn phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, như hành vi không ký xác nhận vào từng trang bản gốc của hồ sơ mời thầu, không có quyết định thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu; hành vi vi phạm quy định về ký kết và quản lý hợp đồng; hành vi vi phạm quy định về thời gian trong đấu thầu; hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm thông tin trong đấu thầu.
Đặc biệt, Nghị định 155/2013/NĐ-CP không quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm những điều cấm quy định tại Điều 12 Luật Đấu thầu. Theo đó, đối với những vi phạm này sẽ trực tiếp áp dụng Luật Đấu thầu để xử lý.
Phải thực hiện đăng ký khi thuê giám đốc
Ngoài ra, nghị định còn bổ sung nhiều vi phạm mới trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.
Điển hình là vi phạm quy định về kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, vi phạm về giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, vi phạm quy định về đăng ký người thành lập doanh nghiệp, về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, vi phạm về thực hiện yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh, về việc thông báo cho phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh...
Đáng chú ý, trường hợp thuê người khác làm giám đốc doanh nghiệp tư nhân mà không thực hiện đăng ký sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng và buộc phải đăng ký bổ sung giám đốc.
Đồng thời, nghị định mới không quy định về đăng ký trụ sở, đăng ký vốn góp của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vì các nội dung này đã được lồng ghép trong các điều khoản quy định về đăng ký thành lập hoặc thay đổi.
Không quy định về ngành, nghề kinh doanh có chứng chỉ hành nghề và quy định về việc sử dụng Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động vì các nội dung này được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành.
Việc ban hành Nghị định 155/2013/NĐ-CP có ý nghĩa tích cực trong việc nâng cao hiệu quả công tác kế hoạch và đầu tư, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về kế hoạch và đầu tư; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư; dự báo tình hình, hoạch định cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo chinhphu.vn