Thứ Hai, 30/09/2024 14:28 CH
Vì sao Nguyễn Văn Lý bị bắt?
Thứ Hai, 19/03/2007 14:57 CH

Những hành vi của Nguyễn Văn Lý đã chứng minh, rằng ông ta chỉ đội lốt tôn giáo để làm những việc sai trái, việc khởi tố ông ta, chính là khởi tố một công dân vẫn còn đang trong thời gian quản chế hành chính nhưng vẫn cố tình vi phạm pháp luật và vi phạm một cách có hệ thống.

 

VÀI NÉT VỀ NGUYỄN VĂN LÝ

 

070319-nvly.jpgSinh ngày 15/5/1946 tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, học xong bậc phổ thông, Nguyễn Văn Lý vào tu tại tiểu chủng viện - rồi sau đó là đại chủng viện Huế. Năm 1974, ông ta được thụ phong linh mục tại Sài Gòn.

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thay vì chuyên tâm vào công việc tôn giáo, sống tốt đời, đẹp đạo, thì Nguyễn Văn Lý lại có tham vọng chính trị với mong muốn mình sẽ trở thành một “lãnh tụ”, một “ngọn cờ” chống Cộng.

 

Tiếp xúc với giáo dân, ông ta có những lời lẽ công khai chống lại chính quyền cách mạng, xuyên tạc đường lối chính sách. Vì thế, từ năm 1975 đến  1977, Nguyễn Văn Lý nhiều lần bị xử lý hành chính vì tội phản tuyên truyền, thậm chí có lần còn bị giam 4 tháng.

 

Đến năm 1983, do liên tục tái phạm, coi thường luật pháp, Nguyễn Văn Lý bị Tòa án nhân dân (TAND) Thừa Thiên - Huế xử phạt 10 năm tù vì tội “Phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân”.

 

VÀ NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT

 

Tháng 12/1992, Nguyễn Văn Lý mãn hạn tù. Do vẫn còn phải chịu 4 năm quản chế hành chính nên tháng 7/1995, Nguyễn Văn Lý được bố trí về cư trú tại họ đạo Nguyệt Biều, thuộc xã Thủy Biều, TP Huế.

 

Nhằm đề cao vai trò của mình, đồng thời tạo uy tín với giáo dân để dễ bề lôi kéo họ, ông ta liên lạc, móc nối với những cá nhân, tổ chức người Việt phản động ở nước ngoài để xin tiền. Số tiền ấy, Nguyễn Văn Lý cho tu sửa 11 con đường, làm 140 nhà vệ sinh công cộng, cấp con giống, cây trồng, mở lớp dạy máy tính, dạy ngoại ngữ miễn phí nên đã đánh lừa được một số bộ phận giáo dân.

 

Được bọn phản động lưu vong ở nước ngoài phong làm cố vấn “Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam”, cuối năm 2000, Nguyễn Văn Lý dấn thêm một bước là kích động giáo dân ký đơn đòi lại 1.905m2 đất vốn là của Giáo hội Thiên Chúa giáo - nhưng đã giao cho hợp tác xã quản lý từ năm 1975 - rồi Lý cho người ra canh tác trên mảnh đất ấy, bất chấp sự hòa giải của chính quyền.

 

Bên cạnh đó, ông ta viết và tán phát những tài liệu như “Tuyên ngôn 10 điểm” vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo, tài liệu “Lời chứng” kêu gọi xóa bỏ chế độ Cộng sản ở Việt Nam, kêu gọi Chính phủ Mỹ không ký Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ.

 

Hành vi của Nguyễn Văn Lý đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của đa số linh mục, giám mục ở Huế nói riêng và Giáo hội Thiên Chúa giáo cả nước nói chung. Thậm chí có linh mục đã từng nói thẳng với Nguyễn Văn Lý: “Nếu muốn làm chính trị thì hãy cởi bỏ chiếc áo thầy tu, chứ đừng lợi dụng tôn giáo, mượn bục giảng nhà thờ để xúi bẩy giáo dân làm điều sai trái”.

 

Tháng 2/2001, Tòa Tổng giám mục Huế điều chuyển Nguyễn Văn Lý về xứ đạo An Truyền, thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tại đây, ông ta vẫn tiếp tục sử dụng tòa giảng để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, kích động giáo dân chống lại chính quyền. Nghiêm trọng hơn, Nguyễn Văn Lý còn móc nối với một số cá nhân cực đoan trong các tôn giáo khác để bàn tính việc cho ra đời cái gọi là “Ủy ban liên tôn đấu tranh vì tự do tôn giáo”, mà Nguyễn Văn Lý sẽ đảm nhận vai trò tổng thư ký.

 

Trước những hành vi vi phạm pháp luật liên tục và có hệ thống của Nguyễn Văn Lý, tháng 2/2001, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định quản lý hành chính nhưng ông ta không chấp hành. Vì vậy, tháng 5/2001, Nguyễn Văn Lý bị bắt và đến tháng 10, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế xử phạt ông ta 15 năm tù giam cùng 5 năm quản chế vì hai tội: “Phá hoại chính sách đoàn kết”, “Không chấp hành quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc quản chế hành chính”.

 

Cũng liên quan đến Nguyễn Văn Lý, còn có Nguyễn Vũ Việt (là cháu ruột Lý). Vào tháng 11/2000, Việt là nhân viên văn phòng liên lạc của Chương trình hợp tác đào tạo du học giữa Đại học Văn Hiến TP HCM và Đại học Broward (Mỹ) từ TP HCM ra Huế gặp Nguyễn Văn Lý để nhờ Lý dạy thêm về máy tính.

 

Tại Huế, thông qua Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Vũ Việt tiếp xúc với Ngô Thị Hiền và Ngô Minh Thu (Ngô Thị Hiền, Việt kiều Mỹ, là Chủ tịch tự do tôn giáo cho Việt Nam, đồng thời là nhân sự chủ chốt của Đài Phát thanh Quê hương, là những tổ chức của các nhóm người Việt phản động trên đất Mỹ, dưới cái tên Đoan Trang). Trong dịp về Việt Nam lần này, Ngô Thị Hiền đã mời Nguyễn Văn Lý làm cố vấn cho Ủy ban tự do tôn giáo.

 

Sau khi Nguyễn Văn Lý bị bắt, Ngô Thị Hiền đã đề nghị Nguyễn Vũ Việt gửi cho Hiền các thông tin về Lý. Trong những e-mail chuyển tới Hiền, Việt đã bộc lộ những tư tưởng chống đối Nhà nước Việt Nam, được Hiền thưởng cho 2.900.000 đồng.

 

Tháng 5/2001, Nguyễn Thị Hoa (chị ruột Việt) nhận được điện thoại của Hiền. Qua nhiều lần trò chuyện, Hiền đề nghị Hoa động viên các em ruột là Nguyễn Vũ Việt, Nguyễn Trực Cường cộng tác với Đài Phát thanh Quê hương trong việc theo dõi tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Sau đó Trang gửi về 500USD để các em Hoa mua sắm điện thoại di động phục vụ việc liên lạc. Nhằm tránh bị phát hiện, mỗi máy di động Việt, Cường đều sử dụng 2 simcard của 2 mạng khác nhau.

 

Từ đó, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Vũ Việt, Nguyễn Trực Cường tích cực làm việc cho Đài Phát thanh Quê hương thông qua Ngô Thị Hiền bằng cách thu thập thông tin về Nguyễn Văn Lý, tiếp xúc với các phần tử cực đoan bất mãn, rồi xuyên tạc, khuếch đại, vu khống Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo.

 

Bên cạnh đó, Việt còn mở 3 hộp thư điện tử để nhận tài liệu phản động từ nước ngoài gửi về. Tổng cộng Nguyễn Thị Hoa đã nhận được 2.300USD,  Nguyễn Vũ Việt nhận 2,9 triệu đồng và 600USD, Nguyễn Trực Cường nhận 500USD do Ngô Thị Hiền nhờ người chuyển.

 

Cuối năm 2002, sau một thời gian cải tạo, có vẻ như Nguyễn Văn Lý nhìn ra những sai lầm của mình nên ông ta đã viết 10 tài liệu dưới hình thức “thư” và “tâm thư”, nội dung chủ yếu là phản ánh, lý giải về tình hình, xu thế phát triển của Việt Nam, đồng thời đề nghị Mỹ cùng các nước châu Âu, các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước không nên chống phá mà nên ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, góp phần gìn giữ nền hòa bình chung của nhân loại.

 

Đặc biệt hơn, trong những “thư”, “tâm thư” này, Nguyễn Văn Lý nhìn nhận Việt Nam cơ bản đã có tự do tôn giáo, tự do ngôn luận. Trong tất cả 23 lần được gia đình cùng các linh mục, tu sĩ, giáo dân ở Huế vào trại thăm viếng, cũng như trong lần thăm viếng của đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ Sam Brownback và đoàn Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ, Nguyễn Văn Lý đều xác nhận những “thư”, “tâm thư” đó do chính mình viết ra từ những suy nghĩ chân thật.

 

(Còn nữa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek