Việc áp dụng đúng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt, có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và người phạm tội phải chịu một hình phạt nghiêm khắc hơn. Bởi thế, trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự, vấn đề này luôn được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đã có lúc, có nơi có sự nhận thức và vận dụng khác nhau…
Áp dụng đúng hình thức tăng nặng, giảm nhẹ trong xét xử góp phần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Trong ảnh: Một bị cáo đang chuẩn bị nghe tòa tuyên án) - Ảnh: V.TÀI
TỪ VỤ ÁN “XÚI GIỤC NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI”
Theo hồ sơ vụ án, lúc 20 giờ ngày 4/12/2012, sau khi bị Nguyễn Hữu Trọng (SN 1996, trú khu phố Long Bình, thị trấn Chí Thạnh, Tuy An) và một số người khác đánh, Đinh Thanh Trọng (SN 1996, trú khu phố Long Bình) đã rủ Thiều Công Vũ (SN 1996, trú khu phố Long Bình) cùng 3 người khác tìm đánh Nguyễn Hữu Trọng để trả thù. Sau đó, cả nhóm dùng cây sắt đánh Hữu Trọng gây thương tích 15%.
Ngày 5/11/2013, TAND huyện Tuy An đã đưa vụ án ra xét xử, đại diện Viện KSND huyện đề nghị xử phạt các bị cáo Đinh Thanh Trọng, Thiều Công Vũ phạm tội cố ý gây thương tích. Riêng Đinh Thanh Trọng, Viện KSND còn đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người chưa thành niên phạm tội” quy định tại điểm n khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử TAND huyện Tuy An cho rằng việc công tố viên đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng đối với bị cáo Trọng là không phù hợp, vì khi thực hiện việc xúi giục người khác phạm tội, bị cáo Trọng cũng đang là người chưa thành niên (lúc phạm tội, bị cáo Trọng chỉ mới hơn 16 tuổi).
Xung quanh việc vận dụng pháp luật của TAND huyện Tuy An đã nảy sinh những quan điểm khác nhau. Trong đó, có ý kiến đồng tình với việc xét xử, bởi mặc dù bị cáo Trọng rủ rê bị cáo Vũ là người chưa thành niên đi đánh nhau, nhưng khi phạm tội bị cáo cũng là người chưa thành niên nên không thể áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hương Quê (Văn phòng Luật sư Phúc Luật) lại cho rằng cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với Trọng, bởi Điều 68, chương X, Bộ luật Hình sự quy định: Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như tại điểm n, khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự quy định “Xúi giục người chưa thành niên phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên phải được áp dụng đối với bất cứ người phạm tội nào có tình tiết này, mà không quy định người xúi giục phải là người thành niên. Do đó, nếu người chưa thành niên phạm tội mà có hành vi xúi giục người chưa thành niên khác phạm tội thì phải áp dụng theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự.
Được biết, vụ án nói trên không phải là trường hợp duy nhất ở Phú Yên mà giữa các cơ quan tố tụng có những quan điểm khác nhau trong việc áp dụng quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
PHẠM TỘI NHIỀU LẦN, KHÔNG GIẢM ÁN
Ngày 18/11/2013, TAND tỉnh Phú Yên đã mở phiên tòa phúc thẩm đối với bị cáo Trần A Tiên (SN 1989, trú phường 8, TP Tuy Hòa) về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Qua xét hỏi công khai tại phiên tòa, hành vi phạm tội của bị cáo thể hiện: Từ tháng 4/2012, Trần A Tiên nhiều lần nhận heroin của vợ chồng Nguyễn Ngọc Hiền, Nguyễn Thị Bích Thủy rồi chờ những người nghiện ma túy gọi điện thoại hỏi mua thì Tiên đem đến bán với giá 200.000 đồng một tép. Tiên được Hiền, Thủy trả công bằng việc sử dụng heroin không lấy tiền. Sau đó, Tiên chuyển sang mua heroin với hình thức 5 tép thì được Hiền, Thủy tặng 1 tép. Tiên đã bán cho Trần Quốc Lâm 10 lần 10 tép, Trần Thị Tuyết Kiều 20 lần 20 tép, Đỗ Văn Tường 30 lần 50 tép, Đỗ Mạnh Cường 1 lần 10 tép và Trương Vũ Việt 2 lần 2 tép. Ngoài ra, từ tháng 2/2012, Tiên còn mua heroin của Hồ Đức Dũng 3 lần 3 tép, Lê Phú Hòa 2 lần 2 tép để sử dụng….
Trước đó, với hành vi trên, Viện KSND TP Tuy Hòa truy tố Trần A Tiên về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự. Ngày 4/9/2013 TAND TP Tuy Hòa xét xử sơ thẩm áp dụng điểm b, khoản 2, Điều 194 và điểm o, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Trần A Tiên 8 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Sau khi án sơ thẩm tuyên, bị cáo Trần A Tiên có đơn kháng cáo xin giảm án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, kiểm sát viên của VKSND tỉnh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án và khẳng định: Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, đủ cơ sở kết luận bản án sơ thẩm đã áp dụng điểm b Khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Trần A Tiên về tội mua bán trái phép chất ma túy là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó cần phải xử lý nghiêm khắc mới đủ tác dụng răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung. Bản án sơ thẩm đã xem xét áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như bị cáo tự thú về hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo quy định tại các điểm o, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo 8 năm tù là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo nêu lý do xin giảm án là do vi phạm lần đầu là không đúng. Do đó, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo không có cơ sở.
Từ đó, kiểm sát viên đã đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên hình phạt án sơ thẩm. TAND tỉnh Phú Yên đã chấp nhận quan điểm giải quyết vụ án của VKSND tỉnh, xử phạt bị cáo Trần A Tiên 8 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.
VĂN TÀI - HỒ LƯU