Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự vừa ban hành chiến lược trợ giúp pháp lý (TGPL) giai đoạn 2013-2015. Theo đó, đến năm 2015, sẽ có từ 50 đến 70% người dân biết về quyền được TGPL; biết về các thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động TGPL, nắm được địa chỉ của tổ chức thực hiện TGPL thông qua các phương tiện truyền thông, trợ giúp pháp lý ở cơ sở; bảo đảm 80% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, 90% các cơ quan tiến hành tố tụng được lắp đặt bảng thông tin và đặt hộp tin về TGPL tại địa điểm thuận lợi để người dân dễ tiếp cận, tìm hiểu.
Đến năm 2015, sẽ đẩy mạnh tăng cường các hoạt động TGPL ở cơ sở (TGPL lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, phát tờ gấp pháp luật…), ưu tiên tổ chức các hoạt động này ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, huy động, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức xã hội đăng ký tham gia theo các mục tiêu được đề ra trong Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và chi nhánh; bảo đảm từ 50 đến 60% số tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia thực hiện TGPL.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể: Thực hiện tốt công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, quản lý hành chính nhà nước, tin học, bảo đảm từ 60 đến 70% trợ giúp viên pháp lý được luân phiên bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước tương đương ngạch chuyên viên; 100% số người thực hiện TGPL được tập huấn hàng năm về văn bản pháp luật mới và kỹ năng TGPL cho các nhóm đối tượng đặc thù. Song song đó, phải đa dạng các hình thức TGPL cụ thể như: Đáp ứng 90 đến 100% nhu cầu TGPL bằng hình thức tư vấn, hòa giải của người được TGPL ngay tại cơ sở; hoàn thành từ 80 đến 90% tổng số vụ việc mà người được TGPL yêu cầu.
Bảo đảm đáp ứng được đầy đủ nhu cầu TGPL của người dân ở các lĩnh vực pháp luật: pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự; pháp luật dân sự; tố tụng dân sự và thi hành án dân sự; pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em; pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính; pháp luật đất đai, nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng; pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm; pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về chính sách ưu đãi xã hội khác; các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Điều 34 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL).
Bảo đảm 90 đến 100% vụ việc yêu cầu tư vấn pháp luật được hoàn thành; 90% các xã tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được TGPL lưu động ít nhất 1 đợt/năm; bảo đảm 98 đến 100% vụ án có trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư cộng tác viên bào chữa, đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, bị can, bị cáo là người thuộc diện được TGPL; khoảng 20 đến 30% vụ việc có sự tham gia của TGPL từ giai đoạn điều tra hoặc khởi tố vụ án.
Tăng cường năng lực cho Sở Tư pháp trong việc tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động TGPL ở địa phương, đặc biệt quản lý nhà nước đối với các tổ chức tham gia TGPL để bảo đảm có sự hỗ trợ và kiểm tra chất lượng dịch vụ; xây dựng mới hoặc cải tạo trụ sở làm việc của Trung tâm TGPL Nhà nước và chi nhánh của trung tâm theo hướng tạo thuận lợi tiếp cận cho người dân, có chỗ tiếp riêng cho các trường hợp cần giữ bí mật riêng tư, các vụ việc nhạy cảm và bảo đảm đạo đức xã hội; bố trí phương tiện làm việc, đi lại, phục vụ hoạt động TGPL theo Quyết định số 792/QĐ-TTg.
LỆ VĂN (tổng hợp)