Nhận thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng nhà đất, trẻ em có được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hay không? Về vấn đề này, luật pháp vẫn còn khoảng trống…
Một trong những trường hợp luật quy định người sử dụng đất có thể là hộ gia đình, cá nhân... và đối tượng được cấp GCNQSDĐ là người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất (Điều 9, 49). Nghị định số 88/2009/NĐ-CP và Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT quy định về GCNQSDĐ, quyền sở hữu (QSH) nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định: Nếu cấp cho cá nhân thì ghi là “ông” hoặc “bà”, sau đó ghi họ tên, năm sinh, số giấy chứng minh nhân dân nếu có, địa chỉ thường trú. Như vậy, cá nhân ở đây được hiểu là công dân Việt Nam ở trong nước hay định cư ở nước ngoài. Luật hoàn toàn không đề cập đến tuổi tối thiểu, hay tối đa được cấp GCNQSDĐ, QSH nhà và tài sản khác gắn liền với đất.
Bộ luật Dân sự quy định chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có QSH đối với tài sản, tức là: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Căn cứ xác lập QSH do lao động, chuyển QSH, được thừa kế... mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau, tức là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) cũng là đối tượng được xác lập QSH tài sản được hình thành từ thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng...
Tuy pháp luật dân sự quy định dù ở độ tuổi nào công dân cũng có QSH tài sản, nhưng việc đứng tên trên GCNQSDĐ gắn liền với QSH nhà ở lại có rất nhiều cách hiểu khác nhau. Nơi thì cho rằng đối với đất sản xuất nông lâm, ngư nghiệp phải có sức lao động để sản xuất nên người trưởng thành (đủ 18 tuổi) mới được cấp; đất ở thì dưới 18 tuổi cấp cũng được, nhưng phải ghi tên người đại diện/giám hộ vào trong giấy. Nhưng đại đa số cơ quan tài nguyên môi trường từ chối cấp GCN vì chưa có quy định... Thiết nghĩ, khoảng trống và bất cập giữa các văn bản luật về QSH tài sản trong thời gian tới sẽ được quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho trẻ em, góp phần ổn định trật tự xã hội.
PHẠM QUỐC DŨNG
(Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)