Tài xế lái xe gây tai nạn khiến chủ xe chết, tòa xử chủ xe phải bồi thường thiệt hại cho chính mình. Theo quy định, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nhưng người này đã chết, vậy họ có phải chịu trách nhiệm bồi thường nữa hay không?
Quang cảnh phiên xử phúc thẩm - Ảnh: V.TÀI
VỪA LÀ CHỦ XE, VỪA LÀ NẠN NHÂN
Theo hồ sơ, sáng 16/12/2011, Phạm Ngọc Hưng (SN 1969, trú xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) điều khiển ô tô khách biển số 90T-2474 lưu thông trên quốc lộ 1 theo hướng bắc - nam. Khi đi đến thôn Cần Lương, xã An Dân (Tuy An) xe do Hưng điều khiển lấn sang phần đường bên trái đâm vào ô tô đi ngược chiều gây tai nạn khiến ông Phạm Văn Cảnh (ngồi trên xe Hưng) bị thương nặng và chết sau đó. Ông Cảnh đồng thời là đồng sở hữu chiếc xe gây tai nạn.
Xử sơ thẩm tháng 1/2013, TAND huyện Tuy An đã tuyên phạt Hưng 3 năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Về trách nhiệm bồi thường, hội đồng xét xử xác định tổng cộng các khoản chi phí trong việc cứu chữa, mai táng… mà gia đình ông Cảnh bị thiệt hại hơn 225 triệu đồng. Về khoản tiền cấp dưỡng cho 3 người con chưa thành niên của ông Cảnh, tòa chấp nhận ở mức mỗi cháu 500.000 đồng/tháng.
Hội đồng xét xử xác định ông Cảnh và ông Nguyễn Văn Chiến là đồng sở hữu ô tô 90T-2474 với tỉ lệ góp vốn mỗi người một nửa. Bị cáo có lỗi trong việc gây tai nạn nhưng là người được các ông Cảnh, Chiến giao xe để lái thuê nên căn cứ Nghị quyết số 03 ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì trách nhiệm bồi thường thuộc về các chủ sở hữu xe. Từ đó, TAND huyện Tuy An đã tuyên buộc ông Chiến bồi thường cho gia đình ông Cảnh một nửa số tiền thiệt hại là hơn 112 triệu đồng và cấp dưỡng cho 3 người con của ông Cảnh với mức 250.000 đồng/cháu/tháng.
CHẾT RỒI VẪN PHẢI BỒI THƯỜNG
Việc xét xử bị cáo Hưng về tội danh, mức hình phạt không có gì bàn cãi. Tuy nhiên, xung quanh việc xác định trách nhiệm bồi thường trong vụ án lại nảy sinh những quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất đồng ý với việc xét xử của TAND huyện Tuy An. Vì các ông Cảnh, Chiến là chủ sở hữu ô tô thuê bị cáo Hưng lái xe và trả tiền công; bị cáo không phải là người chiếm hữu, sử dụng ô tô đó mà các ông Cảnh, Chiến vẫn chiếm hữu, sử dụng nên cả hai phải bồi thường thiệt hại. Do ông Cảnh vừa là chủ sở hữu ô tô, vừa là người bị hại đã chết nên tự chịu một nửa thiệt hại, nửa còn lại ông Chiến phải bồi thường.
Quan điểm thứ hai lại cho rằng việc tòa buộc ông Cảnh tự chịu một nửa thiệt hại là không phù hợp. Bởi theo quy định của pháp luật thì ông Cảnh phải cùng ông Chiến bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, do ông Cảnh đồng thời còn là người bị hại và đã chết nên trách nhiệm bồi thường của ông Cảnh đương nhiên chấm dứt. Không thể buộc người đã chết phải bồi thường thiệt hại cho chính mình.
Những người này cho rằng Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán quy định chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là để việc bồi thường được giải quyết nhanh chóng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại. Sau đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ có quyền yêu cầu lái xe phải bồi hoàn cho mình. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Hình sự, người phạm tội phải bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra. Do đó, trong vụ án này, trách nhiệm bồi thường phải thuộc về bị cáo Hưng và ông Nguyễn Văn Chiến.
Vụ án này chỉ có kháng cáo của tài xế về phần hình phạt và tòa phúc thẩm đã tuyên y án. Song phần dân sự vẫn còn lấn cấn, còn có quan điểm trái ngược nhau. Chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc gần xa.
SÔNG BA