Tư vấn pháp luật là hình thức phổ biến và được thực hiện thường xuyên trong hoạt động TGPL. Tư vấn pháp luật có thể được thực hiện trực tiếp tại trụ sở, thông qua điện thoại hoặc trả lời bằng văn bản; tư vấn thông qua TGPL lưu động; tư vấn cùng với các đợt sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL.
Đặc biệt, kết hợp với hình thức TGPL lưu động, các tổ chức thực hiện TGPL đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giới thiệu các văn bản pháp luật mới cũng như các lĩnh vực pháp luật đang được người dân tại địa phương quan tâm. Trong quá trình thực hiện tư vấn pháp luật, thông qua việc lắng nghe, trao đổi với người được TGPL để tìm hiểu những thông tin chính xác về vụ việc, hiểu rõ những vướng mắc pháp luật cần giải quyết, người thực hiện TGPL tiến hành giải đáp pháp luật bằng cách phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến vụ việc. Từ đó đưa ra các phương án, những lời tư vấn về những vấn đề pháp luật có liên quan và hướng dẫn đối tượng lựa chọn cách ứng xử phù hợp với pháp luật. Qua đó, giúp cho người yêu cầu tư vấn pháp luật nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật để họ thực hiện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong phạm vi luật pháp quy định.
Bên cạnh việc tư vấn pháp luật, người thực hiện TGPL (trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên) còn tham gia tố tụng hình sự để bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc để bảo vệ quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự; tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Trong quá trình tham gia tố tụng, bên cạnh việc sử dụng các biện pháp mà pháp luật tố tụng quy định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, người thực hiện TGPL đồng thời, thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người được TGPL, người đại diện hợp pháp của họ, những người có liên quan. Cụ thể là hướng dẫn, giải thích cho họ về các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; trình tự, thủ tục tiến hành tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng.
Bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng cho người được TGPL khi họ không thể tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, các trợ giúp viên pháp lý, luật sư, cộng tác viên sẽ đại diện trong phạm vi yêu cầu của người được TGPL. Họ có trách nhiệm liên hệ, làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhằm giúp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Trong quá trình tiếp xúc, trao đổi với người được TGPL để thực hiện việc đại diện, người thực hiện TGPL sẽ hướng dẫn, giải thích cho họ về các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ trong vụ việc liên quan, các trình tự, thủ tục cần thiết để làm việc với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ việc...
Tin rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh Phú Yên sẽ ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào thành tích chung của hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận công lý của người dân, đảm bảo công bằng xã hội.
PHẠM QUỐC DŨNG
(Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)