Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ảnh minh họa
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng, trừ một số trường hợp khác.
Không ghi lượng của hàng đóng gói sẵn bị phạt đến 8 triệu đồng
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 4 - 8 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu hàng đóng gói sẵn: Không ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa hoặc ghi không đúng quy định; lượng của hàng đóng gói sẵn không phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm, hoặc không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu công bố. Còn hành vi buôn bán hàng đóng gói sẵn không ghi lượng trên nhãn hàng hóa hoặc ghi không đúng quy định; buôn bán hàng đóng gói sẵn có lượng không phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm... thì bị phạt mức thấp hơn, từ 2 - 4 triệu đồng.
Thêm, bớt thành phần bị phạt đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm
Theo Nghị định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa nhưng không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định. Đối với hành vi bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng thì bị phạt tiền từ 1 - 2 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm.
Phạt tiền từ 2 - 3 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Phạt tiền từ 3 - 5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với một trong các hành vi: Bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Phạt đến 20 triệu đồng vi phạm về sử dụng mã số vạch
Nghị định quy định phạt tiền từ 6 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trái phép mã số mã vạch của doanh nghiệp khác đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch. Đối với hành vi sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc không được tổ chức sở hữu mã số mã vạch đó cho phép bằng văn bản thì sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Nghị định nêu rõ, các mức phạt trên là áp dụng đối với tổ chức. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền được giảm đi một nửa.
Theo Chinhphu.vn