Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý (CLB TGPL) ra đời, tạo điều kiện cho người được TGPL tham gia sinh hoạt, trao đổi các vướng mắc pháp luật nhằm tăng cường khả năng tự giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết các vướng mắc thông qua tư vấn pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tổ chức và hoạt động của CLB thực hiện theo Điều lệ mẫu do Bộ Tư pháp ban hành. CLB chịu sự quản lý nhà nước của UBND cấp xã và do chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định thành lập, phê duyệt thành viên ban chủ nhiệm và Điều lệ hoạt động. Hoạt động của CLB được điều hành thông qua ban chủ nhiệm và sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh (hoặc Chi nhánh của Trung tâm) và Phòng Tư pháp huyện.
CLB đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhiều người nghèo thực hiện quyền được tiếp cận với pháp luật và công lý ở ngay tại địa bàn dân cư. Nếu hoạt động tốt thì sẽ trở thành hàng ngàn điểm trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, đồng thời cũng là hàng ngàn địa chỉ giúp tháo gỡ, giải tỏa những vướng mắc của người dân về pháp luật. Bên cạnh đó, khi tổ chức sinh hoạt CLB thì cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở cơ sở cũng có thêm cơ hội được lắng nghe những vướng mắc của người dân về pháp luật, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân, nghe dân nói và nói cho dân hiểu. Nhờ vậy, mối quan hệ qua lại này sẽ rất hữu ích cho sự điều chỉnh, bổ sung công tác của cấp ủy và chính quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực nêu trên là những hạn chế, trở ngại đang thách thức tính bền vững, tính hiệu quả của mô hình này. Đó là, nhiều buổi sinh hoạt CLB thiếu hấp dẫn, thời gian chủ yếu dành để phổ biến các văn bản pháp luật, người đến dự thụ động ngồi nghe. Nếu người chủ trì có lựa chọn tình huống pháp luật đưa ra thảo luận, trao đổi thì rất chung chung, xa vời với đời sống thực tế, nên ít có tác dụng đáp ứng nhu cầu giải đáp vướng mắc pháp luật cụ thể và thường nhật của người dân.
Bên cạnh đó, hàng tháng, CLB chỉ sinh hoạt tại một địa điểm cố định (thường là ở hội trường UBND xã) cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới số lượng người đến dự. Thực tế cho thấy, các buổi sinh hoạt nếu chỉ tổ chức tại hội trường UBND xã mà không chú ý di chuyển đến các khu dân cư trong xã cho gần dân hơn thì sẽ rất ít người đến do điều kiện nhà họ ở xa trụ sở của chính quyền, đi lại khó khăn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao.
Để giải quyết các hạn chế, bất cập nêu trên, cần sớm tổ chức rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân tình trạng kém hiệu quả ở các CLB, chú trọng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, năng lực và kỹ năng điều hành các buổi sinh hoạt của ban chủ nhiệm. Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL và Phòng Tư pháp cần phối hợp với UBND cấp xã khảo sát các vấn đề, những loại vụ việc người dân có vướng mắc pháp luật để biên tập thành những tình huống thường gặp trong đời sống pháp lý ở cộng đồng. Trong “ngân hàng” tình huống này, cần có đủ các dạng tình huống sát với các đặc điểm vùng, miền để sẵn sàng chọn ra thảo luận. Đây là cách hỗ trợ rất hiệu quả cho các ban chủ nhiệm, khắc phục được tình trạng khan hiếm tình huống hoặc tình huống đưa ra trao đổi trong buổi sinh hoạt CLB chẳng gắn gì với đời sống pháp luật tại các khu dân cư. Mặt khác, điều chỉnh cơ chế hỗ trợ kinh phí sinh hoạt CLB cho hợp lý, bảo đảm việc cấp phát kịp thời, khắc phục tình trạng nếu kinh phí cấp chậm thì câu lạc bộ nghỉ sinh hoạt. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, HĐND, UBND cấp xã, cấp huyện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện cho CLB gắn kết chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động thường xuyên.
NGÔ TẤN HẢI
(Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)