Phỏng vấn 4 sinh viên tại sao chọn cách giải trí đến vũ trường, các bạn cho biết ban đầu chỉ là đi thử vũ trường xem sao nhưng sau đó thấy “cũng đáp ứng sở thích của mình” nên cứ tiếp tục đi. Mỗi lần đi như vậy tốn bao nhiêu tiền? Họ cho biết, trong túi có bao nhiêu chơi bấy nhiêu.
Chi tiêu phung phí
Năm 1999, N.V.Th. từ Tiền Giang lên TP.HCM học đại học ngành báo chí. Chỉ sau năm học thứ nhất, Th. bắt đầu vắng học nhiều để lao vào làm thêm. Nhưng mục đích kiếm tiền không phải để đóng học phí mà là trang trải cho các khoản vui chơi không lành mạnh. Th. chọn làm nhân viên ở quán bia ôm để có đủ tiền tiêu xài. Không còn thời gian đến lớp học nên Th. thi môn nào rớt môn đó.
Trường hợp như Th. không phải là cá biệt. Nhiều sinh viên tỉnh lên TP được 1 năm đã nhanh chóng thay đổi lối sống chân chất giản dị ở quê nhà bằng lối sống “sành điệu” còn hơn cả thanh niên TP. Khảo sát 216 sinh viên ở 6 khoa thuộc 3 trường ĐH công lập, bán công , dân lập TP.HCM trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học “Ảnh hưởng của môi trường đô thị đến nhận thức, lối sống của sinh viên tại TP.HCM” của nhóm sinh viên ĐH Bán công Tôn Đức Thắng đã phản ánh hiện tượng này.
Một số sinh viên cho biết chi nhiều tiền nhất vào việc mua sắm quần áo và sinh nhật bạn bè. Khảo sát chung, 20,4% sinh viên chi tiền vào việc mua sắm quần áo, 19,4% cho sinh nhật bạn bè. Cũng theo nhóm nghiên cứu, 30% số sinh viên tỉnh được khảo sát thì cứ 3 đến 5 tháng lại thay đổi điện thoại di động. Nếu đang xài điện thoại cỡ 1,5 triệu đồng thì thay bằng điện thoại có giá 2,5 triệu đồng và cứ như thế “nâng cấp” lên. Tập trung nhiều vào các sinh viên năm thứ hai, thứ ba.
Nguy cơ tha hóa
Khảo sát cũng đưa ra con số giật mình, một số sinh viên tham gia vào các loại hình ăn chơi thiếu lành mạnh như đi vũ trường, thậm chí là karaoke ôm... Có 13/216 số sinh viên khảo sát thỉnh thoảng có đi vũ trường và 4/216 đi vũ trường thường xuyên. Đặc biệt, 4 sinh viên này đều là ở tỉnh. Và tiền tiêu xài của họ đều do gia đình chu cấp.
Nếu có 500.000 đồng thì đi loại sang một chút, nếu có 200.000 đồng thì đi chỗ 200.000 đồng. Đáng lo ngại là ở một số vũ trường, sinh viên dễ bị lôi kéo vào tệ nạn, ban đầu là mua thuốc lắc, sau đó đến dùng ma túy...
Trong lúc thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu phát hiện một hiện tượng tiêu cực của một số nam sinh viên nội thành là dịp cuối tuần rủ rê nhau ra khu vực ngoại thành để đàn đúm, hát karaoke ôm... Các bạn tập hợp thành nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 7-12 sinh viên thuộc nhiều trường. Tại sao phải ra ngoại thành? Các sinh viên cho biết vì giá cả “chơi bời” ở đây vừa túi tiền.
Học chẳng bao nhiêu
Ngoài việc “sành điệu”, chạy theo mốt, tham gia vào các cuộc vui thiếu lành mạnh, đề cao lợi ích vật chất và sống thực dụng thì một bộ phận sinh viên cũng thể hiện thái độ học cầm chừng, chưa cố gắng hết mình. Một số sinh viên có khuynh hướng học tủ, học gạo theo kiểu “mì ăn liền” để lấy được chứng chỉ hoặc bằng cấp mà không màng đến việc tích lũy kiến thức cho công việc sau này.
Theo khảo sát, có 18/216 sinh viên không bao giờ đọc sách báo, xem tivi trong giờ rảnh rỗi và 19 sinh viên không bao giờ đến thư viện. Nhóm tác giả cho rằng do ý thức chủ quan của sinh viên coi nhẹ việc tra cứu tài liệu, chưa có phương pháp học tập tích cực. Phỏng vấn sâu các sinh viên này đã thể hiện thái độ học tập đơn giản, chỉ là sao cho đủ điểm lên lớp là được.
Diệu Hằng - NLĐ