Không chỉ xuất khẩu cá ngừ đại dương với sản lượng lớn, doanh nhân trẻ Trần Thanh Sơn còn chú trọng quảng bá thương hiệu cá ngừ Phú Yên ra nhiều nước trên thế giới.
Trần Thanh Sơn trong buổi giao lưu nhân ngày Doanh nhân Việt
Xuất thân từ nghề biển và có nhiều năm đi đánh bắt cá ngừ đại dương nên hơn ai hết, anh Trần Thanh Sơn (hội viên Hội Doanh nghiệp trẻ Phú Yên) hiểu được nỗi vất vả của những người theo nghề và nỗi lo về đầu ra cho con cá ngừ. Đầu năm 2004, anh quyết định thành lập DNTN thu mua cá ngừ đại dương ở Phú Yên để xuất khẩu sang Nhật và Mỹ. Anh nhớ lại những ngày đầu: “Hồi ấy, mình phải tốn rất nhiều thời gian để tìm kiếm đối tác, vì lâu nay mình chỉ bán cá ngừ đại dương trong nước. Từ mối quan hệ của bạn bè và qua Internet, cuối cùng mình cũng kiếm được bạn hàng. Nhưng làm việc với họ rất khó. Họ luôn xem chất lượng là tiêu chí số một, mà mình thì đánh giá chất lượng cá ngừ đại dương chủ yếu bằng cảm quan, kinh nghiệm là chính. Vì vậy, nhiều lô hàng khi đã xuất qua bên đó vẫn bị “ách” lại! Nhưng sau này, mình nâng cao chất lượng nên các đối tác cũng tin tưởng vào cá ngừ Phú Yên. Hằng năm, doanh nghiệp xuất từ 100-150 tấn cá, thu về gần 1 triệu USD”.
Theo anh Sơn, để cá xuất khẩu đạt tiêu chuẩn làm sashimi món khai vị đắt tiền trong các nhà hàng Nhật quả thật không đơn giản chút nào. Điều này phụ thuộc vào ngư trường, phương pháp đánh bắt, sơ chế và bảo quản. Nhưng lâu nay ngư dân mình ít chú trọng đến những chuyện này. Trước đây, phần lớn cá xuất sang Nhật, Mỹ có giá không cao so với các sản phẩm cùng loại tại thị trường này do kỹ thuật bảo quản của ngư dân kém. Bề mặt cá thường bị trầy xước do trước khi đưa lên tàu cá vùng vẫy mạnh trong khoảng thời gian dài, gây nhão thịt. Sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của DNTN Thanh Sơn đã khắc phục những nhược điểm này và khẳng định được uy tín. Bạn hàng Mỹ đã cấp giấy chứng nhận xuất xứ cá ngừ Phú Yên nói riêng và cá ngừ Việt
Chất lượng cá ngừ Phú Yên thường không ổn định vào đầu mùa, nếu giúp cho ngư dân biết cách bảo quản cá thì giá sẽ tăng từ 10-15%.
Sơ chế cá ngừ tại bến cá – Ảnh: MINH KÝ
Chung quanh chuyện bảo quản cá, có một cái khó là ở ta chưa có cơ sở chuyên sản xuất đá lạnh cho các tàu câu cá ngừ. Đá do các cơ sở cung cấp hầu hết là “đá non”, chỉ tồn tại trong vòng 12 giờ nên không đảm bảo cho những chuyến đi câu dài ngày, bảo quản một lượng cá lớn. Tàu đi biển sau 15 ngày là số đá này đã tiêu đến phân nửa.
Cũng như các chủ doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương khác, anh Trần Thanh Sơn mong muốn có sự vào cuộc thật sự của các ngành liên quan để cung cấp các thông tin cần thiết, mở rộng kiến thức, truyền đạt những kỹ năng kinh nghiệm khai thác, bảo quản cá ngừ nhằm tạo đầu ra ổn định.
LỆ VĂN