Xuân Phương hiện là xã có nhiều triệu phú trẻ nhất của huyện Sông Cầu. Nếu cách đây 6 năm, thanh niên của xã còn nghèo túng thì giờ đây, con tôm hùm đã mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng/ năm cho nhiều người...
TỪ MỘT NGƯỜI TIÊN PHONG
Ở thôn Dân Phú 2, Võ Văn Nguyên, 33 tuổi, được nhiều người biết đến bởi tài lặn bắt, nuôi trồng và mua bán tôm hùm. Anh là người đầu tiên trong số 250 đoàn viên thanh niên trong xã làm giàu từ con tôm hùm. Trước đây, Nguyên phải đi nhiều nơi, xoay xở đủ nghề, từ thợ may, chụp hình dạo rồi đến lặn bắt tôm hùm giống thuê... nhưng vẫn không đủ sống. Trong những lần đến Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi để tìm tôm hùm giống, anh suy nghĩ: “Tại sao mình không nuôi tôm hùm thịt từ nguồn giống đánh bắt được? Đi làm thuê thì biết đến bao giờ mới đổi đời?”.
Võ Văn Nguyên (bên phải) đang thu hoạch tôm hùm thịt
Đầu năm 2002, sau khi tích cóp được 25 triệu đồng, vay mượn thêm của bạn bè, họ hàng 25 triệu đồng nữa, anh quyết định đầu tư nuôi 5 lồng tôm hùm thịt với 300 con. Anh đi khắp huyện Sông Cầu học hỏi các bậc đàn anh, các cụ cao niên có nhiều kinh nghiệm về nuôi trồng thuỷ sản để tích luỹ kiến thức cho mình. Nhờ kiên trì chịu khó, 18 tháng sau, anh thu lãi 5 triệu đồng/lồng sau khi đã trừ hết chi phí.
Bán được lứa tôm đầu tiên, anh dành hết tiền lo cho lứa sau. Tranh thủ thời gian rỗi, anh đóng thêm một chiếc tàu công suất nhỏ, mua giàn mành để đánh bắt tôm hùm giống. Vừa đánh bắt, vừa nuôi, đến nay anh đã có tài sản riêng là 25 lồng tôm thịt, trị giá khoảng 250 triệu đồng. Anh đi tìm kiếm thị trường để bán tận nơi, nhằm tránh sự ép giá của đầu nậu, đồng thời tranh thủ nuôi thêm cá mú, vẹm xanh..., mỗi năm lãi từ 15-30 triệu đồng, có thêm tiền mua thức ăn cho tôm hùm thịt. Giờ đây, có vốn khá lớn trong tay, thành công nối tiếp thành công nên Nguyên “châm” vốn để anh em thanh niên trong thôn nuôi rẽ rồi đứng ra làm đại lý thu mua để các bạn yên tâm về đầu ra. Hàng trăm thanh niên trong xã đã tìm đến anh học hỏi cách làm giàu và nhiều người đã thành công... Đầu năm 2006, cùng với 125 thanh niên tiêu biểu khác toàn quốc, Võ Văn Nguyên được Bộ Thủy sản tuyên dương tại Cần Thơ. Anh hiện là Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Xuân Phương.
ĐẾN CẢ LÀNG LÀM GIÀU
“Từ năm 1997 đến nay, tổ chức Đoàn-Hội ở huyện Sông Cầu đã giải ngân 23 dự án, với tổng số tiền 1,930 tỷ đồng để thanh niên đầu tư nuôi tôm hùm, nuôi dê và nuôi bò. Trong đó, 20 thanh niên xã Xuân Phương vay gần 100 triệu đồng để phát triển kinh tế”.
Anh Phan Thanh Hoàng, Bí thư Chi đoàn Dân Phú 2, kể: “Thấy anh Nguyên làm ăn hiệu quả, mang lại thu nhập cao, đầu năm 2005, tôi đến học hỏi và chuyển nghề...”. Có 5 triệu đồng vốn vay thông qua kênh của Đoàn, Hoàng thả nuôi 3 lồng tôm hùm thịt. Nhờ chịu khó, lại cầu thị nên Hoàng thành công ngay trong vụ đầu tiên, không chỉ trả hết số tiền vay ban đầu mà còn tích lũy được 15 triệu đồng. Có vốn rồi, Hoàng mạnh dạn mở rộng diện tích và tăng số lượng tôm nuôi. Đến nay, trong tay anh có gần 50 triệu đồng, thu nhập bình quân mỗi năm từ 15-20 triệu đồng...
Tuy là nữ nhưng chị Trần Thị Luôn, ở thôn Dân Phú 1 cũng nuôi tôm hùm không thua kém các bạn trai. Nuôi riêng từ năm 2005, chỉ với 2 lồng, nhưng vụ nào Luôn cũng thu vào từ 10-15 triệu đồng. Luôn bảo: “Qua kênh của Đoàn, mình vay được 5 triệu để nuôi tôm. Do đi đúng hướng như anh Nguyên nên mới có thành công như hôm nay”.
Theo chân anh Nguyên, đến nay trên 150 đoàn viên thanh niên trong xã Xuân Phương nuôi tôm hùm, thu nhập hằng năm từ 10-100 triệu, tuỳ theo qui mô lớn hay nhỏ. Anh Lê Văn Hóa, Bí thư Xã đoàn Xuân Phương, cho biết: “Hiện ở 3 thôn Phú Mỹ, Dân Phú 1 và Dân Phú 2 có hàng trăm thanh niên làm giàu từ nghề nuôi tôm hùm. Trong đó, 65 thanh niên có vốn 50-300 triệu đồng/người”.
VĂN TÀI