Sau gần 3 tháng kể từ ngày thôi làm Bí thư xã Đoàn Hòa Hiệp Bắc (Đông Hòa) anh Trần Minh Tiền - người có thâm niên 14 năm làm công tác Đoàn vẫn chưa biết công việc sắp tới của mình là gì. Cùng cảnh ngộ với anh Tiền còn có anh Lê Công Thành, cựu Bí thư Xã đoàn Hòa Tâm. Đã mấy tháng qua, anh Thành vẫn ở nhà lo việc nội trợ giúp gia đình. Anh cho biết: Sau đại hội Đoàn, Đảng ủy xã Hòa Tâm có hướng bố trí anh làm trưởng thôn. Nhưng anh nghĩ mình còn trẻ, không quán xuyến được công việc của một trưởng thôn. Hơn nữa, nếu nhận nhiệm vụ trưởng thôn thì không biết đến lúc nào anh mới được quay lại làm một cán bộ trong định biên của xã. Anh Thành bức xúc nói: “Trong một thời gian dài, tôi đã cống hiến hết mình cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Nhưng khi thuyên chuyển, từ một cán bộ định biên của xã chúng tôi lại phải hợp đồng. Tôi quá thất vọng với kiểu bố trí công tác như vậy. Tôi không đòi hỏi, chỉ muốn có một việc làm ổn định, phù hợp với khả năng mình”.
Phía sau đại hội Đoàn xã Hòa Hiệp Bắc là việc thuyên chuyển cán bộ Đoàn khó khăn
Về vấn đề này, ông Đặng Hay, Bí thư Đảng uỷ xã Hòa Tâm giải thích: “Xã có 19 định biên, hiện tại đã đủ nên không biết bố trí đồng chí Thành vào vị trí nào. Vì vậy, tạm thời Đảng ủy phân công đồng chí Thành về làm trưởng thôn, hoặc làm hợp đồng không chuyên trách của xã. Phải chờ đến năm 2007 đại hội các đoàn thể ở xã tiến hành xong thì chúng tôi mới tính tiếp”.
Cựu Bí thư xã Đoàn Hòa Hiệp Trung Nguyễn Hữu Khóa là một đảng ủy viên nên may mắn hơn anh Tiền, anh Thành. Sau đại hội, anh vẫn có việc làm, nhưng cũng chỉ làm hợp đồng vì xã không còn định biên. Anh phụ trách công tác văn hóa xã hội (không chuyên trách). Ở vị trí công tác này, mỗi tháng anh Khóa nhận khoảng 200.000 đồng tiền lương, và không còn chế độ Bảo hiểm xã hội.
Trong 9 huyện, thành phố thì Đông Hòa là đơn vị đầu tiên trong tỉnh tổ chức xong đại hội Đoàn cấp xã, nhiệm kỳ 2006 - 2011. Ban chấp hành mới của 10 xã được bầu chọn đúng theo Quy chế cán bộ Đoàn. Song việc thuyên chuyển những cán bộ Đoàn lớn tuổi sang vị trí công tác khác thì còn nhiều chuyện phải bàn. Quy chế cán bộ Đoàn nêu rõ: “Việc thuyên chuyển cán bộ Đoàn phải vừa cương quyết vừa thận trọng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thuyên chuyển và ổn định, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ công tác với bồi dưỡng, rèn luyện và đào tạo cán bộ qua thực tiễn, chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ kế cận”. Trên thực tế, do xã đã đủ định biên nên sau khi đại hội, một số cán bộ Đoàn phải “ngồi chơi xơi nước” Đã có 4/10 xã không bố trí công tác phù hợp cho các cựu cán bộ Đoàn lớn tuổi.
Anh Nguyễn Văn Lai, Phó Bí thư Huyện đoàn Đông Hòa cho biết: “Theo sự chỉ đạo của Huyện ủy, Huyện đoàn đã làm rất quyết liệt việc trẻ hóa nhân sự BCH nhiệm kỳ mới theo đúng Quy chế. Nhưng hiện nay, một số cán bộ Đoàn lớn tuổi sau khi đại hội đã không bố trí được việc làm, gây nên tâm lý e ngại cho anh em cán bộ Đoàn ở cơ sở. Về vấn đề này, Huyện đoàn cũng chưa có hướng giải quyết cụ thể.
Thiết nghĩ, trẻ hóa đội ngũ cán bộ Đoàn là cần thiết, nhưng việc thuyên chuyển cán bộ Đoàn lớn tuổi cũng không kém phần quan trọng. Nếu cứ thuyên chuyển như hiện nay sẽ vô tình làm cho các cán bộ Đoàn không yên tâm công tác. Để việc giải quyết đầu ra cho cựu cán bộ Đoàn trong thời gian tới không gặp phải vướng mắc như ở huyện Đông Hòa, các địa phương cần chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch cán bộ, để các thủ lĩnh thanh niên yên tâm và cống hiến sức trẻ của mình cho phong trào thanh thiếu nhi.
SONG VĂN – BÁ TOÀN