Ở thôn Phú Hai (xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu), Võ Văn Nguyên được bà con gọi bằng biệt danh “tỷ phú tôm hùm”. Nguyên là một trong 125 thanh niên cả nước được Bộ Thủy sản tuyên dương trong Hội nghị thanh niên tiên tiến ngành Thủy sản lần thứ III, tổ chức tại thành phố Cần Thơ vừa qua.
Tỉ phú trẻ Võ Văn Nguyên bên những lồng tôm hùm của anh - Ảnh: B.TOÀN
Tiếp khách trong căn nhà mới khá khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, Võ Văn Nguyên tự hào nói: “Tất cả những thứ này đều từ tôm hùm mà ra cả”. 5 năm trước, Nguyên làm thợ may, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Anh chuyển sang chụp ảnh dạo nhưng không bao lâu thì cũng bỏ nghề. Năm 2002, thấy người dân đổ xô nuôi tôm hùm lồng, lợi nhuận mang lại rất cao, Nguyên quyết định dùng số tiền tích lũy được của hai vợ chồng đầu tư vào nghề này. Số vốn ban đầu chỉ đủ để mua lồng, còn tôm giống, Nguyên cùng một số người khác rủ nhau ra biển lặn bắt. “Kiến tha lâu đầy tổ”, số tôm bắt được gom lại khoảng 250 con, thả nuôi trong 5 lồng. Về thức ăn, Nguyên cũng tự khai thác và chế biến, không phải mất tiền mua. Nuôi tôm hùm lồng không khó, Nguyên tìm hiểu từ sách báo và học ở những người đi trước. Bán được lứa tôm đầu, anh dùng toàn bộ số tiền thu được đầu tư cho lứa sau. Cứ thế, sau 5 năm, Nguyên đã có hơn 25 lồng tôm hùm, thu nhập bình quân mỗi năm từ 250 - 300 triệu đồng. Ngoài tôm hùm, Nguyên còn nuôi cá mú, vẹm xanh, ghẹ... thu nhập cũng rất cao. Công việc hằng ngày của chàng “tỷ phú” trẻ này là: Sáng cho tôm cá ăn xong, anh đi khắp vùng mua tôm hùm và các loại hải sản khác cung cấp cho các thị trường trong và ngoài tỉnh.
“Tỷ phú tôm hùm” bộc bạch: Mình chẳng có bí quyết gì cả. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi như ở đây, ai cũng có thể làm giàu được. Hiện nay, chi phí làm một lồng nuôi khoảng 3 triệu đồng, tôm giống thì dao động từ 70.000-100.000 đồng/con. Tôm hùm rất ít bệnh, người nuôi chỉ thất bại khi gặp thiên tai. Công việc hàng ngày rất bận rộn, nhưng Nguyên không quên trách nhiệm của một Bí thư chi đoàn. Anh cho biết: Thời gian tới sẽ mở rộng qui mô nuôi tôm bằng cách đầu tư vốn cho thanh niên trong thôn nuôi rẽ. Hình thức này vừa tạo việc làm, thu nhập cho thanh niên, vừa giúp Nguyên đạt được doanh thu 500 triệu đồng/năm mà anh đã đặt ra.
Võ Văn Nguyên khẳng định: “Việc làm giàu với thanh niên ở thôn Phú Hai hiện nay không khó, nhưng vấn đề họ đang cần là vốn”. Nguyên nhiều lần kiến nghị với đoàn cấp trên tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn để phát triển kinh tế. Dự án đã lập rồi, nhưng gần 2 năm nay vẫn chưa thấy giải quyết, không biết là ách tắc ở khâu nào.
BÁ TOÀN