Do ảnh hưởng chất độc hóa học trong những năm ở chiến trường nên bố Thuận bị bệnh ung thư và mất sớm khi em mới vào lớp 3. Một mình mẹ phải chèo chống, nuôi anh em ăn học. Hằng ngày, ngoài giờ đến trường, Lê Thị Hoàng Thuận (lớp 11A6 Trường THPT Dân lập Duy Tân) giúp mẹ đi lấy nước cơm từ các nhà lân cận và quanh vùng để nuôi heo. Ước mơ, khát khao và nỗ lực học giỏi của em cũng được nuôi lớn dần từ những lần đi lấy nước cơm ấy...
Thuận đang phụ giúp mẹ bỏ than tổ ong đi bán – Ảnh: L.Văn
Trên con đường Đồng Khởi (phường 7, TP Tuy Hòa) nhà kiên cố khang trang san sát nhau, có ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng, nóng hầm hập của Thuận. Ngôi nhà ẩn nhẫn trong nghèo khó và Thuận đang nuôi hy vọng tạo dựng ngày mai từ mái nhà này. Cô học trò 11 Trường THPT Dân lập Duy Tân đã cố gắng từng ngày và giữ vững danh hiệu học sinh giỏi trong nhiều năm liền ở các cấp học.
Hôm chúng tôi đến, gia đình đang vui, vì anh trai của Thuận là Lê Hoàng Thao vừa mới đỗ tốt nghiệp THPT. Mẹ Thuận cố giấu nỗi lo về lộ phí đi thi đại học của cậu con trai đầu lòng. Bà tâm sự: “Đã mấy lần tui tưởng con không vượt qua được khó khăn. Rủi con nghỉ học thì nhà này tắt hết hy vọng. Biết tui lo, chúng nó cũng rất chịu khó. Hằng ngày, ngoài giờ học, anh em Thuận luân phiên nhau đi xách nước cơm ở nhà hàng xóm để mẹ nuôi heo, trang trải cuộc sống. Làm mẹ mà để con cơ cực, tui xót xa lắm, tự trách chưa lo tròn trách nhiệm. Nhưng biết sao hơn…”.
Thuận hiểu được cảnh vất vả của gia đình và nỗi lòng của mẹ. Em nói: “Con đã quen chịu cực rồi, làm nhiều hơn nữa cũng chẳng sao. Con sẽ làm mọi việc dù cực nhọc để đi tiếp vào đại học”.
Do ảnh hưởng chất độc hóa học trong những năm ở chiến trường nên bố Thuận bị bệnh ung thư và mất khi hai anh em chưa học hết tiểu học. Một mình mẹ Thuận chèo chống cho cả gia đình. Bao năm qua, người mẹ nghèo ấy cặm cụi bán than tổ ong, nuôi heo…trang trải chi tiêu trong nhà. Tháng nào bán được nhiều nhất, cũng chỉ kiếm được 500.000 đồng. Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, mùa nắng thì nóng hầm hập, mùa mưa thì dột tứ tung, có chiếc bàn nhựa nho nhỏ, hai cái ghế thấp lè tè. Đó là “góc học tập” của hai anh em Thuận.
Thiếu một điểm vào Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Thuận vào Trường THPT Dân lập Duy Tân. Mỗi khi đến kỳ đóng học phí, thấy mẹ phải vay mượn tiền, Thuận cầm lòng không được, muốn nghỉ học để mẹ bớt cực khổ. Nhưng mẹ an ủi: “Mỗi lần đi làm về mệt rã rời, thấy con khoe điểm 10, khoe giấy khen của trường là bao mệt mỏi của mẹ tan hết. Lây lất, cực khổ thế nào mẹ cũng chịu, làm lụng vất vả tới đâu cũng được, miễn sao các con được học tới nơi tới chốn”.
Mỗi ngày đi học mẹ cho 1.000 đồng, hôm nào nhiều thì 2.000 đồng để ăn sáng nhưng Thuận đều dành dụm mua sách đọc thêm. Cô Lâm -giáo viên chủ nhiệm lớp 11A6 nói: “Thuận là học sinh gương mẫu, chịu khó. Nhà xa trường và gặp khó khăn cuộc sống nhưng em không bao giờ nghỉ học. Thành tích học tập của em không lúc nào sa sút. Không những học giỏi, em còn hay giúp đỡ những bạn yếu hơn mình.Thuận là tấm gương sáng để các bạn trong lớp noi theo”.
Chia tay, tôi nhớ lời Thuận nói: “Em đã từng mơ được vào đại học. Nhưng có lẽ sau khi đậu tú tài, em sẽ thi vào trường Cao đẳng sư phạm, vừa không phải lo học phí, vừa học gần nhà để có thể tiết kiệm cho mẹ”. Thuận khép lại ước mơ của mình mà ánh mắt vẫn đau đáu, long lanh một nỗi khát khao không tắt...
VĂN TÀI