“Đây là chương trình phát thanh măng non...”, tiếng nhạc hiệu ấy đã trở nên quen thuộc với thính giả Đài Tiếng nói nhân dân Phú Yên (VOP) vào 17 giờ 30 phút mỗi chiều thứ năm. Đó chỉ là một trong nhiều chương trình mà các em ở câu lạc bộ Phóng viên nhỏ (CLB PVN) Nhà thiếu nhi Phú Yên thực hiện.
Các phóng viên ở CLB PVN đang lấy tư liệu trong một chuyến thực tế – Ảnh: T.QUỚI
Các em là những học sinh từ nhiều trường khác nhau, tham gia vào CLB PVN Nhà thiếu nhi vì có cùng niềm đam mê: viết và nói lên tiếng nói của mình. Nếu như thời gian trước đây, CLB thiên về sáng tác văn học thì hiện nay công việc “làm báo” đã thực sự thu hút các em. Mỗi tháng, CLB thực hiện hai chương trình thiếu nhi trên sóng truyền hình, 4 chương trình trên sóng phát thanh với thời lượng 30 phút, 4 góc thiếu nhi trên Báo Phú Yên - một khối lượng công việc không phải nhỏ. Nhà báo Kim Chi, phóng viên VOP phụ trách CLB cho biết: “Hàng tuần các em gặp nhau vào sáng chủ nhật để “báo cáo” kết quả thực hiện trong tuần, vừa nhận xét bài vở vừa trao đổi rút kinh nghiệm và phân công nhiệm vụ trong tuần tới. CLB áp dụng mô hình tự quản, nghĩa là do chính các em làm chủ, nên các buổi sinh hoạt luôn sôi nổi”. Không chỉ thực hiện các chương trình cố định, CLB PVN còn thi đua viết bài gửi cho các báo khác. Bạn Kim Kiều, thành viên CLB cho biết: “Em thường viết bài gửi cho các báo Áo Trắng, Hoa Học Trò, Thanh Niên… Qua mỗi bài viết được đăng mình học tập được nhiều thứ, nâng cao được khả năng viết đồng thời còn có nhuận bút để… khao bạn bè!”. Nhiều bạn trong CLB có khả năng viết rất tốt, nhuận bút có tháng bằng cả tháng lương của một công chức bậc 1. Nhưng tiêu chí quan trọng nhất là “Chúng em muốn đại diện cho những bạn nhỏ khác nói lên tiếng nói của trẻ thơ, có thể đưa được những tấm gương tốt, những hoạt động trong cuộc sống vui chơi, học tập của lứa tuổi chúng em” – bạn Nhật Thảo, nói.
Bùi Nguyên Bảo học sinh lớp 8 trường THCS Đinh Tiên Hoàng (TP Tuy Hoà), là Chủ nhiệm CLB PVN, vừa là trưởng nhóm thực hiện chương trình thiếu nhi trên đài truyền hình, cho biết: “Ngoài những buổi trao đổi lý thuyết trong phòng, thỉnh thoảng CLB tổ chức những chuyến đi thực tế để nội dung chương trình phong phú hơn và tích luỹ kinh nghiệm nhiều hơn cho nghề làm báo”.
Hai năm 2004, 2005, các phóng viên nhỏ được tập huấn nghiệp vụ làm báo nói và báo hình qua dự án “Những cuộc đời trẻ thơ” của Hội Cứu trợ trẻ em do Vương quốc Anh tài trợ. Nhờ vậy hầu như tất cả các công đoạn làm báo cũng như những bài học cơ bản, kỹ năng làm báo được các em tiếp cận một cách bài bản và ứng dụng tốt vào thực tiễn.
TRẦN QUỚI